Tại Ấn Độ, người dân bang Utter Pradesh thường tổ chức những phong tục độc đáo để chào đón một em bé mới chào đời. Tuy nhiên, đây là phong tục dành riêng cho các bé trai.
"Một hôm tôi đến trung tâm phụ nữ ở trong làng, mọi người kể rằng một phụ nữ vừa sinh con gái thứ 2. Họ kể với chúng tôi rằng đứa trẻ sau đó đứa trẻ đã bị chôn" - chị Madhuri Rawat, một người dân Ấn Độ, cho biết.
Những truyền thống như thế này đã cho thấy thành kiến sâu sắc tồn tại trong xã hội Ấn Độ lâu nay. Hậu quả, hiện nay, số lượng nam giới ở Ấn Độ đông hơn phụ nữ đến hàng triệu người.
Thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy trong năm 2015, tỷ lệ dân số theo giới ở Ấn Độ là 107,6 nam trên 100 nữ. Đáng lo ngại hơn, việc lựa chọn giới tính khi sinh, dù là bất hợp pháp, lại rất phổ biến ở những người giàu có và có học.
Tình trạng "đàn ông đông hơn phụ nữ" không chỉ giới hạn ở Ấn Độ. Xu hướng này đang ngày càng lan rộng ở khắp châu Á, đặc biệt là ở những nước vẫn giữ quan niệm "sinh con trai để nối dõi".
Liên Hợp Quốc ước tính, năm 2015, châu Á và Trung Đông có 2,24 tỷ đàn ông, còn số lượng phụ nữ là 2,14 tỷ người. Sự chênh lệch 100 triệu người tính theo giới này tương đương với mức tăng 70% so với năm 1985. Ngược lại ở phương Tây, châu Âu, Bắc Mỹ chứng kiến sự gia tăng nữ giới lần lượt là 26 triệu và 3 triệu người trong năm 2015.
Theo Liên Hợp Quốc, ở những nước có dịch vụ chăm sóc y tế rộng rãi và tuổi thọ trung bình nữ giới cao, thường sẽ có tỷ lệ nữ đông hơn nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!