Tại Nhật Bản, phiên bản mới nhất của ChatGPT đã hỗ trợ rất nhiều cho người khiếm thị trong việc đi lại. Đây là một ví dụ cho thấy khi được sử dụng đúng cách, công nghệ AI có thể hữu ích và nhân văn như thế nào.
Anh Mashiro, 26 tuổi, bị mù, không thể nhìn được. Anh đang thử nghiệm phiên bản mới nhất của ChatGPT để đến sân vận động, tham dự buổi gặp mặt của những người say mê trò chơi điện tử. Anh chia sẻ nhiều khi chỉ muốn tự mình đi lại nhưng nếu không có người đồng hành thì sẽ rất khó khăn. Phiên bản GPT-4o đã hỗ trợ rất nhiều cho những người có nhu cầu đặc biệt như anh Mashiro.
Anh Mashiro di chuyển trên đường phố với sự hỗ trợ của ChatGPT
GPT-4o có thể hiểu các câu lệnh bằng giọng nói, văn bản và hình ảnh đối với một số ngôn ngữ. Để đến được sân vận động, anh Mashiro đã trò chuyện với GPT-4o như một người bạn đồng hành, nghe trả lời bằng một bên tai, để tai kia có thể lắng nghe tiếng xe cộ trên đường phố.
Dù thời gian di chuyển của anh Mashiro gấp 4 lần so với người bình thường, song, với anh, việc đi lại cùng sự đồng hành của AI vô cùng thú vị và hữu ích.
Anh Masahiro Fujimoto (Game thủ eSports) trải lòng: "Nói thật là tôi rất vui. Ban đầu tôi lo lắm. Nhưng tôi rất thích cuộc hành trình, đặc biệt là khi cuối cùng tôi đã đến sân vận động và trải nghiệm niềm vui đạt được mục tiêu của mình nhờ công cụ này".
Không chỉ hỗ trợ cho người khiếm thị, AI còn có thể đáp ứng nhiều nhu cầu đặc biệt khác của người dùng nhờ tiềm năng rất lớn của mình. Ví dụ, người khiếm thính có thể sử dụng tính năng chuyển lời nói thành văn bản. Các chuyên gia khẳng định sự phát triển nhanh chóng của AI có thể giúp giáo dục, việc làm và các dịch vụ hàng ngày trở nên dễ tiếp cận hơn, giúp người khuyết tật tự tin hơn trong hòa nhập với cuộc sống bình thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!