Nước ngọt ăn kiêng và các đồ uống ăn kiêng khác thường chứa aspartame. (Ảnh minh họa: Healthline)
Đây là kết luận của Tổ chức Y tế Thế giới dựa trên nghiên cứu của 2 nhóm nghiên cứu riêng biệt của tổ chức này.
Kết luận về chất tạo ngọt aspartame được đưa ra dựa trên hai hoạt động nghiên cứu, phân tích và đánh giá dữ liệu về mối liên quan giữa bệnh ung thư và chất aspartame. Nhóm nghiên cứu thứ nhất là của Cơ quan quốc tế nghiên cứu ung thư thuộc WHO tiến hành. Theo đó, chất aspartame được xếp vào danh sách các chất gây ung thư thuộc phân nhóm 2B. Tuy nhiên, cơ quan này không đưa ra mức tiêu thụ chất aspartame cho mỗi người trong một ngày.
Nhóm nghiên cứu thứ hai, do Ủy ban chuyên gia chung về phụ gia thực phẩm do WHO cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) thành lập, cho rằng không có bằng chứng thuyết phục về tác hại do aspartame gây ra. Nhóm này tiếp tục khuyến nghị mọi người nên duy trì mức tiêu thụ chất tạo ngọt aspartame dưới 40 mg/kg mỗi ngày.
Một lon đồ uống giải khát có ga thường chứa từ 200 - 300 mg chất làm ngọt nhân tạo aspartame. Do đó, người lớn có thể trọng 70 kg nếu tiêu thụ hơn 9 đến 14 lon mỗi ngày thì mới vượt quá mức tiêu thụ hàng ngày có thể chấp nhận được, với giả thiết người đó không tiêu thụ thêm aspartame từ bất kỳ nguồn thực phẩm và đồ uống nào khác.
Tại buổi họp báo trình bày kết quả đánh giá của hai nhóm nghiên cứu nói trên, ông Francesco Branca, người đứng đầu cơ quan dinh dưỡng của WHO, đã giúp người tiêu dùng hiểu được những tuyên bố của nhóm nghiên cứu, đặc biệt là những người tìm kiếm chất tạo ngọt nhân tạo để thay đường.
Ông Francesco Branca nói: "Kết luận của đánh giá này không chỉ ra rằng việc tiêu thụ các sản phẩm có chứa chất làm ngọt sẽ tự động dẫn đến tác động sức khỏe. Có nghĩa là nếu tiêu thụ một lượng aspartame nhất định sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, chúng tôi không khuyên các công ty thu hồi sản phẩm, chúng tôi cũng không khuyên người tiêu dùng ngừng tiêu dùng hoàn toàn. Chúng tôi chỉ khuyên nên sử dụng có chừng mực".
Aspartame là chất làm ngọt nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong nhiều loại sản phẩm đồ uống và thực phẩm kể từ những năm 1980. Chất này được tìm thấy trong các loại đồ uống cho người ăn kiêng, kẹo cao su, gelatin, kem, các sản phẩm từ sữa như sữa chua, ngũ cốc ăn sáng, kem đánh răng, kẹo ngậm trị ho và kẹo dẻo bổ sung vitamin.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!