“Cầu vồng sau mưa” trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc

Anh Quang-Thứ hai, ngày 10/07/2023 08:00 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa kết thúc chuyến thăm 4 ngày (6 – 9/7) tới Trung Quốc. Bắc Kinh kỳ vọng thấy 'cầu vồng sau mưa' với Washington.

Ngày 6/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng trên một loạt mặt trận.

Bộ trưởng Janet Yellen đã được chào đón bởi Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns và quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc Yang Ying Ming khi bà xuống máy bay, ngay sau khi một cơn mưa mang lại chút nhẹ nhõm cho thủ đô Bắc Kinh đang nóng ngột ngạt.

Cả Tân Hoa Xã và Thời báo Hoàn Cầu đều đưa tin cầu vồng đã xuất hiện khi máy bay chở bà Yellen đáp xuống sân bay quốc tế ở thủ đô Bắc Kinh hôm 6/7.

“Cầu vồng sau mưa” trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 1.

Cầu vồng xuất hiện khi máy chở Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hạ cánh xuống sân bay quốc tế Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Đây là chuyến đi đầu tiên của bà Yellen đến Trung Quốc trên cương vị Bộ trưởng Tài chính Mỹ và diễn ra chỉ 3 tuần sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken tiến hành chuyến thăm hiếm hoi đến nước này.

Thông báo trên Twitter trước khi đặt chân đến Bắc Kinh, bà Yellen mong muốn một cuộc cạnh tranh kinh tế lành mạnh có lợi cho người lao động Mỹ. Bà tuyên bố sẽ bảo vệ an ninh quốc gia khi cần nhưng chuyến đi lần này là "cơ hội để liên lạc và tránh hiểu lầm".

“Cầu vồng sau mưa” trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 2.

Dòng trạng thái được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đăng tải trên tài khoảng Twitter ngày 6/7.

Chiều ngày 7/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CGTN dẫn lời Thủ tướng Lý Cường cho biết, tăng cường hợp tác là một nhu cầu thực tế và là lựa chọn đúng đắn. Ông cũng lưu ý rằng Bắc Kinh và Washington nên tăng cường liên lạc, tìm kiếm sự đồng thuận về các vấn đề kinh tế quan trọng giữa hai nước, để mang lại sự ổn định và năng lượng tích cực cho quan hệ kinh tế song phương.

Thủ tướng Lý Cường cũng nhắc lại chi tiết "cầu vồng" khi tiếp bà Yellen. "Tôi nghĩ quan hệ Mỹ - Trung Quốc cũng như vậy: Sau khi trải qua mưa gió, chắc chắn chúng ta sẽ thấy cầu vồng" - ông Lý ví von.

“Cầu vồng sau mưa” trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 4.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 7/7 tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Đáp lời, bà Yellen khẳng định Mỹ không hề mong muốn một cuộc cạnh tranh nhất định phải có kẻ thắng người thua. "Chúng tôi chủ trương cạnh tranh kinh tế lành mạnh, với những quy định công bằng, có lợi cho cả hai nước" - bà nói.

Dù vậy, Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh "trong một số trường hợp nhất định, Washington cần có những hành động cụ thể để bảo vệ an ninh quốc gia".

Trước đó cùng ngày 7/7, phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham), bà Yellen kêu gọi nền kinh tế số 2 thế giới cải cách thị trường, đồng thời chỉ trích những hành động "trừng phạt" gần đây đối với các công ty Mỹ ở Trung Quốc.

“Cầu vồng sau mưa” trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 5.

Phái đoàn do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dẫn đầu tại cuộc gặp với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Ảnh: AFP

"Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chia tách sẽ khiến kinh tế toàn cầu bất ổn và việc này hầu như không thể xảy ra", bà Yellen phát biểu.

Dù khẳng định mình đến Bắc Kinh nhằm hướng tới "một mối quan hệ bền vững và mang tính xây dựng" nhưng những phát biểu của bà Yellen, theo nhận định của Reuters, báo hiệu sẽ không có đột phá lớn, bởi không chỉ Washington mà cả Bắc Kinh đều đang đề cao an ninh quốc gia hơn là ưu tiên hợp tác sâu hơn về kinh tế.

Trong thông cáo đưa ra ngày 7/7, Bộ Tài chính Trung Quốc nhấn mạnh: "Không có bên nào thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại hay chia tách kinh tế, phá vỡ chuỗi cung ứng". Ngoài ra, Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ có "những hành động bền vững" để tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế và thương mại song phương.

Ngày 8/7, trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong khẳng định nước này "sẽ nghiêm túc thực hiện đồng thuận đạt được giữa bà và Thủ tướng Lý Cường, biến điều này thành hành động cụ thể".

Ông Hà cũng cho biết lấy làm tiếc về "một số biến cố bất ngờ và ngoài ý muốn, như sự cố liên quan đến khí cầu, gây ra các vấn đề trong thực hiện đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được".

“Cầu vồng sau mưa” trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 10.

Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 8/7. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Yellen đề nghị Washington và Bắc Kinh liên lạc trực tiếp về những lo ngại liên quan hoạt động cụ thể, cũng như thúc giục tăng cường hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bất chấp một số căng thẳng trong quan hệ.

Theo bà Yellen, kim ngạch thương mại song phương Mỹ - Trung "đạt kỷ lục" vào năm 2022 là bằng chứng cho thấy hai nước gắn bó với nhau ra sao. "Có nhiều cơ hội cho các công ty của chúng ta tham gia vào thương mại và đầu tư", bà Yellen nói.

Tại cuộc họp báo kết thúc chuyến thăm kéo dài 4 ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, các cuộc gặp song phương với các quan chức cấp cao Trung Quốc đã diễn ra "trực tiếp" và "hiệu quả", giúp ổn định mối quan hệ.

“Cầu vồng sau mưa” trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 12.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại buổi họp báo kết thúc chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc. Ảnh: Reuters

"Mỹ và Trung Quốc có những bất đồng đáng kể", bà Yellen nói với các phóng viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, viện dẫn những lo ngại của Washington về cái gọi là "các hoạt động kinh tế không công bằng" và các hành động trừng phạt gần đây của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ.

"Nhưng Tổng thống Biden và tôi không nhìn mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc qua khuôn khổ xung đột giữa các cường quốc. Chúng tôi tin rằng thế giới đủ lớn để cả hai nước chúng ta cùng phát triển", bà Yellen khẳng định.

Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung từng leo thang do nhiều vấn đề như đảo Đài Loan, thương mại và các bất đồng khác. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/6 đánh giá, quan hệ Mỹ - Trung "đang đi đúng hướng".

Giới phân tích nhận định chuyến thăm của bà Yellen có thể giúp hâm nóng quan hệ song phương.

“Cầu vồng sau mưa” trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 13.

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns và quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đón Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại sân bay. Ảnh: Reuters

"Bà Yellen dường như là thành viên có quan điểm thực tế nhất trong chính quyền Tổng thống Biden", Tao Wenzhao, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói. "Tôi nghĩ chúng tôi hoan nghênh chuyến thăm của bà Yellen và điều này sẽ cho phép hai bên thân thiện với nhau hơn. Chúng tôi đang tái định hình, thiết lập lại quan hệ song phương".

Tờ New York Times nhận định chuyến công du đầu tiên của bà Yellen đến Trung Quốc sẽ là phép thử quan trọng đối với cách tiếp cận ôn hòa mà bà đã theo đuổi từ lâu. Trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden, bà Yellen kêu gọi đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Mỹ và thừa nhận rằng, bảo vệ an ninh quốc gia là điều tối quan trọng.

Tuy nhiên, bà cũng là người ủng hộ duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc, chống lại thuế quan, kêu gọi thận trọng đối với các hạn chế mới đối với đầu tư ở Trung Quốc và gần đây nhất là cảnh báo rằng việc tách rời hai nền kinh tế sẽ là "thảm họa".

Theo Tờ Thời báo Hoàn cầu, ngày càng có nhiều rào cản đối với hợp tác kinh tế và thương mại đôi bên cùng có lợi (win-win) giữa 2 bên, khi Washington tiếp tục đưa ra các rào cản, bao gồm cả việc xem xét các hạn chế mới đối với đầu tư vào Trung Quốc, hạn chế khả năng tiếp cận của các công ty Trung Quốc vào các dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ và đối với con chip trí tuệ nhân tạo đối với nước này, như một phần trong cách tiếp cận tổng thể của họ để ngăn chặn Trung Quốc.

Trung Quốc cáo buộc động thái của phương Tây là "lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động thương mại tự do và các quy tắc thương mại quốc tế".

Hồi tháng 5/ 2023, Trung Quốc thông báo các sản phẩm do hãng chip Micron của Mỹ sản xuất có rủi ro an ninh quốc gia và sẽ bị cấm bán cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc.

Còn trong động thái "ăn miếng trả miếng" mới nhất, hôm 3/7, Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với GalliumGermanium và các hợp chất liên quan từ ngày 1/8 tới.

Đây là thành phần quan trọng trong các con chip hiệu suất cao được sản xuất trên thế giới. Theo giới chức Trung Quốc, việc ban hành các biện pháp này là nhằm "bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia".

“Cầu vồng sau mưa” trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 15.

Gallium và Germanium là những nguyên tố quan trọng trong ngành bán dẫn. Ảnh: SCMP

Trong khi Trung Quốc cần công nghệ ví dụ như máy in thạch bản để sản xuất chip, thì các nước phương Tây như Mỹ cũng cần Trung Quốc để có những nguyên vật liệu quan trọng.

Số liệu cho thấy, 53% kim loại Gallium của Mỹ nhập từ Trung Quốc. Với quy định không được bán số lượng lớn nên khi có hiệu lực 1/8, dự kiến sẽ tác động ngay đến một số ngành công nghệ cao của Mỹ, nhất là sản xuất các con chip hiệu suất cao. Ngay sau thông báo về lệnh cấm, cổ phiếu của các công ty Trung Quốc liên quan đến 2 kim loại Gallium và Germanium tăng vọt vì dự báo giá sắp tới trên thị trường sẽ tăng mạnh.

Bộ Thương Mại Mỹ cho biết, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ trong tháng 4/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006. Bên cạnh đó, việc Mỹ tăng lãi suất cơ bản liên tục dẫn đến thay đổi dòng chảy của vốn, khiến nhân dân tệ giảm giá khoảng 4,8% so với USD kể từ đầu năm, theo FactSet. Ngày 5/7, tỷ giá giữa đồng USD/Nhân dân tệ giao dịch trong nước là 7,2432, hướng tới mức thấp nhất trong 15 năm được thiết lập vào tháng 11 năm ngoái. Khi nhân dân tệ giảm giá thì ảnh hưởng đáng kể đến cân bằng thương mại giữa hai bên. Chính vì thế, ngay trước khi Bộ trưởng Yellen đến Trung Quốc, giới chuyên gia nhận định Washington và Bắc Kinh cần phải tìm được giải pháp cho chính sách tài chính để cả hai bên đều hạn chế tổn thương.

“Cầu vồng sau mưa” trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 16.

Chuyến thăm của bà Yellen là nỗ lực mới nhất của Washington nhằm hàn gắn mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đang gặp khó khăn về các vấn đề từ Đài Loan đến công nghệ, thương mại.

Trả lời New York Times, ông Michael Pillsbury, thành viên cấp cao về chiến lược Trung Quốc tại Heritage Foundation, tin rằng các quan chức Trung Quốc coi bà Yellen là tiếng nói của lý trí. Bắc Kinh hy vọng bà có thể thuyết phục những người khác trong chính quyền Biden rằng Mỹ nên ngừng ý định hạn chế đầu tư và dỡ bỏ thuế quan bổ sung có từ thời ông Donald Trump.

Kết quả lớn nhất được kỳ vọng trong chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen là giữ được các kênh liên lạc giữa Mỹ với Trung Quốc. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry dự kiến sẽ sớm đến Bắc Kinh.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước