Trung Quốc trì hoãn kế hoạch mở cửa một phần để bảo vệ hệ thống y tế trong nước (Nguồn: Reuters)
Là quốc gia cuối cùng hướng tới mục tiêu "Zero COVID", Trung Quốc hiện vẫn đang kiên quyết theo đuổi chiến lược "quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng" trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm của biến thể Delta và Omicron đang ở mức đáng lo ngại. Điều này có nghĩa là trong trường hợp Trung Quốc ghi nhận chỉ một hoặc vài ca nhiễm, quốc gia này vẫn có thể tiến hành phong tỏa toàn bộ một thành phố, sau đó truy vết F0 cho đến khi không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Nhiều người cho rằng, nếu Trung Quốc thực hiện các biện pháp xét nghiệm diện rộng, phong tỏa vùng dịch hay hạn chế đi lại quá khắt khe, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ chịu nhiều tổn hại, nhất là khi nhiều quốc gia khác đã bắt đầu mở cửa.
Thế nhưng, bất chấp mặt trái của "Zero COVID", Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, ông Wu Liangyou vẫn khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát COVID-19 chặt chẽ.
Trung Quốc đại lục kiên trì đến cùng với chiến lược "Zero COVID" (Nguồn: Reuters)
Mới đây, ông Liang Wannian, quan chức đứng đầu nhóm chuyên gia phòng chống COVID-19 của Trung Quốc cũng khẳng định, các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nói trên không làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời cũng là con đường hiệu quả nhất giúp nước này tạo tấm lá chắn lớn với COVID-19. Cùng với chủ trương nhanh chóng kích hoạt các biện pháp phát hiện từ sớm và ngăn không để virus lan rộng, tuyên bố trên một lần nữa khẳng định Trung Quốc đại lục sẽ kiên trì đến cùng với chiến lược "Zero COVID".
Nguyên nhân sâu sa đằng sau chiến lược "Zero COVID"
Dù đã tiêm chủng đầy đủ cho phần lớn dân số, Trung Quốc vẫn thực thi các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt như những ngày đầu. Điều này khiến nhiều chuyên gia y tế đặt câu hỏi về nguyên nhân sâu sa đằng sau việc theo đuổi "Zero COVID" của chính phủ.
Người ra cho rằng việc Trung Quốc trì hoãn kế hoạch mở cửa một phần để bảo vệ hệ thống y tế nước này. Theo ông Jason Wang, giáo sư tại Đại học Stanford, với quy mô dân số như hiện nay, Trung Quốc khó có thể kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh sau một đợt bùng phát lớn. "Chỉ một làn sóng dịch quy mô nhỏ cũng có thể khiến các bệnh viện quá tải và gây ra nhiều bất ổn cho xã hội. Vậy nên, rất khó để dự đoán Trung Quốc sẽ còn duy trì chính sách Zero COVID trong bao lâu", ông Wang nói.
Trung Quốc trì hoãn kế hoạch mở cửa một phần để bảo vệ hệ thống y tế trong nước (Nguồn: Reuters)
"Chúng ta có thể tưởng tượng số lượng lớn người nhiễm bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19. Đây sẽ là một dịch bệnh lớn, một cuộc khủng hoảng y tế, xã hội và gây ra nhiều vấn đề chính trị", ông Liang Wannian khẳng định.
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Bắc Kinh cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc có thể phải đối mặt với kịch bản hơn 630.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày nếu từ bỏ chính sách "Zero COVID" và dỡ bỏ các hạn chế du lịch. Hệ thống y tế ngay lập tức đứng trước nguy cơ sụp đổ, vì vậy, chính phủ Trung Quốc sẽ không cho phép bất kỳ làn sóng bùng phát dịch mới nào xảy ra.
Đề phòng rủi ro bùng phát dịch sau Thế vận hội mùa Đông sắp tới cũng là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc kiên định theo đuổi chiến lược "quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng". Uy tín chính trị là vô cùng quan trọng, bởi vậy, Bắc Kinh sẽ không để mọi thành tựu chống dịch trong suốt gần 2 năm quay về con số 0 chỉ vì một sự kiện thể thao.
Sự xuất hiện mới đây của biến thể Omicron càng khiến Trung Quốc theo đuổi "Zero COVID" (Nguồn: Reuters)
Bên cạnh đó, trong năm 2022, Trung Quốc còn chủ trì 2 sự kiện quốc tế quan trọng khác là Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20. Những cột mốc quan trọng này khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó lòng mở cửa biên giới – điều mà ông lo sợ có thể khiến dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát. "Chính phủ Trung Quốc sẽ không cho phép và cũng không để bất kỳ rủi ro nào xảy ra trước thời điểm quan trọng đó", ông Yanzhong Huang - chuyên gia cấp cao về sức khoẻ toàn cầu thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Council on Foreign Relations) nhận định.
Nghiên cứu mới đây cũng kết luận rằng, ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc không nên từ bỏ "Zero COVID" cho đến khi "các loại vaccine cho mức độ phòng, chống bệnh hiệu quả hơn". "Chúng tôi sẽ không nới lỏng các biện pháp kiểm soát cho đến khi đạt đến một mức độ bao phủ vaccine nhất định. Mọi biện pháp hạn chế sẽ không được dỡ bỏ trừ khi chúng tôi có những nhận định cụ thể về virus cũng như chứng minh được tính hiệu quả của việc tiêm chủng", ông Zheng Zhongwei, người đứng đầu bộ phận Phát triển khoa học y tế tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh.
Trung Quốc không nên từ bỏ "Zero COVID" cho đến khi "các loại vaccine cho mức độ phòng, chống bệnh hiệu quả hơn" (Nguồn: NY Times)
Ngoài ra, sự xuất hiện mới đây của biến thể Omicron càng khiến Trung Quốc thắt chặt kiểm soát biên giới. "Sự xuất hiện của các biến thể có khả năng lây lan cao khiến "Zero COVID" khó có thể được duy trì. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giới chức Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược này", ông Mark Williams - nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Capital Economics nhận định.
Kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng
Theo ông Zhang Wenhong, chuyên gia bệnh truyền nhiễm kiêm Giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Huashan tại Thượng Hải, "chiến lược phản ứng nhanh mà Trung Quốc áp dụng hiện nay có thể đối phó với mọi loại biến thể mới". Nếu không, Trung Quốc được cho là có thể ghi nhận tới hơn 47 triệu ca mắc và 950.000 ca tử vong do COVID-19. "Mọi thứ sẽ không thể kiểm soát và những nỗ lực suốt 2 năm qua sẽ trở thành công cốc".
Tuy nhiên, việc Trung Quốc khó mở cửa trở lại trong vòng một năm tới lại tác động không hề nhỏ tới kinh tế và xã hội nói chung. Bà Jessica Tea, chuyên gia tư vấn tại tập đoàn BNP Paribas Asset Management Asia, nhận định: "Dù công nghệ và các cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi năng lượng sẽ tăng trưởng trong năm 2022, song "Zero COVID" có thể làm chậm tốc độ phục hồi của ngành dịch vụ tiêu dùng".
Sự khác biệt về chính sách của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới "sẽ ngày càng rõ rệt" vì "Zero COVID" (Nguồn: Reuters)
Ông Jason Brady, Giám đốc điều hành của công ty quản lý đầu tư Thornburg Investment Management, cũng cho rằng sự khác biệt về chính sách của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới "sẽ ngày càng rõ rệt". Ông Shuang Ding, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Standard Chartered - chi nhánh Hong Kong (Trung Quốc) thì nhấn mạnh, hướng đi của Trung Quốc "có thể hạn chế tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế".
Không những vậy, đa số người dân Trung Quốc đều cũng đã thấm mệt với các hạn chế nghiêm ngặt của chính phủ. Lấy ví dụ từ thành phố Thuỵ Lệ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ tháng 9/2020 đến nay, thành phố này đã xảy ra liên tiếp 5 đợt dịch với 4 lần chịu cảnh "phong toả khép kín". Việc không thể ra khỏi thành phố kiếm việc khiến người dân Thụy Lệ cảm giác như mình bị xa lánh. "Tôi cảm thấy cả thành phố đang bị kì thị, như thể chúng tôi không sống ở Trung Quốc vậy", một cư dân chia sẻ.
Không những thế, nhiều người còn bị "vạ lây" không thể mua vé tàu xe do những nhầm lẫn trong quá trình đánh giá cấp độ sức khỏe theo màu ở Bắc Kinh. Điều này đã phần nào cho thấy những bất tiện trong cuộc sống người dân đại lục khi chính sách chống dịch bị áp đặt quá nghiêm ngặt.
Người dân Trung Quốc thấm mệt vì "Zero COVID" (Nguồn: Reuters)
Chính vì vậy, Giáo sư Liang Wannian, người từng đồng chỉ đạo cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19 của Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, "lòng vị tha" của người dân Trung Quốc là điều kiện quan trọng giúp nước này ngăn chặn thành công các đợt bùng phát nghiêm trọng. Họ chấp nhận tuân thủ các biện pháp hạn chế vốn đã gây ra nhiều "mệt mỏi và bất mãn" để mang lại lợi ích chung cho cả cộng đồng.
Tuần trước, ông Zhong Nanshan, chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp của Trung Quốc đã đề xuất 2 điều kiện tiên quyết để nước này từ bỏ "Zero COVID". Đầu tiên, tỷ lệ tử vong phải giảm xuống khoảng 0,1%. Thứ hai, khả năng lây nhiễm giảm xuống còn 1-1,5, tức mỗi cá nhân mắc COVID-19 sẽ chỉ lây virus sang trung bình từ 1-1,5 người. Để làm được điều đó, Trung Quốc vẫn còn cả chặng đường phía trước, nhất là sau khi biến thể Omicron với lượng đột biến protein gai nhiều chưa từng thấy xuất hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!