Những ngày đầu năm 2025, liên tiếp các vụ việc lừa đảo trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á đã gây chú ý mạnh mẽ. Trong đó, hai diễn viên người Trung Quốc bị lừa đảo và bắt cóc tới vùng biên giới Thái Lan - Myanmar là hồi chuông cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của vấn nạn buôn người thông qua các chiêu trò trên mạng.
Nạn nhân của các vụ lừa đảo không chỉ là những người nhẹ dạ mà còn là những lao động tìm kiếm việc làm tốt hơn. Anh Budi, một người Indonesia, từng rơi vào bẫy lừa đảo việc làm ở Campuchia. Thay vì nhận công việc tốt như lời hứa, anh bị buộc phải tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Anh Budi chia sẻ: "Khi đến nơi, tôi được yêu cầu đọc một kịch bản. Hóa ra, chúng tôi bị bắt làm những kẻ lừa đảo, phải tìm kiếm nạn nhân tiềm năng. Ban ngày làm việc 14 giờ trong sự đe dọa, ban đêm chỉ được ngủ ngắn ngủi, và mức lương nhận được chưa bằng một nửa như đã hứa".
Ngoài việc làm, các hình thức lừa đảo phổ biến khác bao gồm:
- Hẹn hò trực tuyến: Các đối tượng tạo hồ sơ giả trên mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò để làm quen, sau đó dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài và bắt cóc.
- Thông báo trúng thưởng hoặc du lịch giá rẻ: Tội phạm gửi tin nhắn, email hoặc dùng mạng xã hội để thông báo trúng thưởng hoặc mời nhận chuyến du lịch giá rẻ. Sau khi dụ dỗ nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân hoặc đến địa điểm lĩnh thưởng, chúng thực hiện các hành vi lừa đảo hoặc bắt cóc.
Những vụ việc này là lời nhắc nhở quan trọng về việc cảnh giác trước các lời mời gọi quá hấp dẫn và thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng. Chính quyền các nước trong khu vực đang tăng cường hợp tác để ngăn chặn tình trạng này, đồng thời khuyến nghị người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!