Quan hệ liên Triều đổ vỡ gây lo ngại, thế giới không quá bất ngờ

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 17/06/2020 06:15 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ còn là những lời cảnh báo, ngày 16/6, Bình Nhưỡng đã phá hủy hoàn toàn văn phòng liên lạc chung liên Triều.

Sự việc này diễn ra khi mà Hàn Quốc và Triều Tiên vừa kỉ niệm 20 năm ra Tuyên bố liên Triều trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên giữa hai cố nhà lãnh đạo. Những căng thẳng này tất nhiên đang gây nhiều lo ngại, nhưng không quá bất ngờ, bởi nó đã được dự báo trước trong những ngày gần đây.

Bắt đầu từ 12h ngày 9/6/2020, Bình Nhưỡng thông báo cắt đứt hoàn toàn và đóng đường dây liên lạc giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, vốn được duy trì thông qua văn phòng liên lạc chung liên Triều, cũng như các đường dây liên lạc khác.

Triều Tiên trong ngày 9/6 đã không phản hồi cuộc gọi hàng ngày từ phía Hàn Quốc, lần đầu tiên kể từ khi các đường dây nóng được khôi phục vào năm 2018.

Quan hệ liên Triều đổ vỡ gây lo ngại, thế giới không quá bất ngờ - Ảnh 1.

Bình Nhưỡng cắt đứt hoàn toàn và đóng đường dây liên lạc giữa Triều Tiên và Hàn Quốc

Ngày 13/6, bà Kim Yo-jong, em gái của Chủ tịch Triều Tiên và là thành viên cấp cao của Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên đưa ra cảnh báo mới, đó là Bình Nhưỡng sẽ hủy bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự với Seoul, đóng cửa hoàn toàn trao đổi khác qua biên giới liên Triều, nếu Seoul không có hành động ngăn chặn tình trạng rải truyền đơn có nội dung chống Bình Nhưỡng vào lãnh thổ Triều Tiên.

Sáng 16/6, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên cho biết, quân đội nước này đang nghiên cứu một kế hoạch đưa quân đội trở lại các khu vực đã được phi quân sự hóa theo thỏa thuận liên Triều, biến tiền tuyến này trở thành một pháo đài.

Vài tiếng sau, Triều Tiên đã cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều tại khu công nghiệp chung Kaesong nằm ở biên giới liên triều. KCNA xác nhận văn phòng này đã bị phá hủy hoàn toàn.

Văn phòng liên lạc chung này là thành quả, là biểu tượng của nỗ lực hợp tác hướng tới hòa bình giữa hai miền Triều Tiên.

Quan hệ liên Triều đổ vỡ gây lo ngại, thế giới không quá bất ngờ - Ảnh 2.

Các đại biểu dự khai trương văn phòng liên lạc liên Triều

Khi được khai trương vào tháng 9/2018 tại thành phố Kaesong, rất nhiều lời ca ngợi cùng những kỳ vọng đã được Seoul và Bình Nhưỡng đặt vào văn phòng này. Nhưng kết thúc của văn phòng này đã trở thành một dấu lặng mới trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Văn phòng liên lạc chung liên Triều có ý nghĩa gì?

Tấm màn được kéo xuống đánh dấu việc tòa nhà Văn phòng liên lạc chung liên Triều chính thức được khai trương tại thị trấn biên giới Kaesong của Triều Tiên ngày 14/9 năm 2018. Nó được trông đợi trở thành một kênh liên lạc và tham vấn thường trực giữa hai miền trong một kỷ nguyên hòa bình mới.

Ông Cho Myoung-gyon - Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc nói: "Một chương mới trong lịch sử đã được mở ra tại đây. Văn phòng liên lạc chung này là một biểu tượng khác của nền hòa bình do Hàn Quốc và Triều Tiên cùng chung tay thiết lập".

Quan hệ liên Triều đổ vỡ gây lo ngại, thế giới không quá bất ngờ - Ảnh 3.

Văn phòng liên lạc chung được điều hành bởi 20 quan chức từ mỗi miền.

Tòa nhà 4 tầng bao gồm các văn phòng riêng cho phía Triều Tiên và Hàn Quốc, cùng một phòng hội nghị chung. Văn phòng liên lạc chung được điều hành bởi 20 quan chức từ mỗi miền, đứng đầu là một quan chức cấp thứ trưởng được chỉ định, hàng tuần đại diện hai bên đều có cuộc gặp gỡ để giải quyết các vướng mắc.

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai miền xấu đi kể từ khi các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên lâm vào bế tắc. Bình Nhưỡng gần như cắt đứt liên lạc với Seoul sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm ngoái. Và ngày 16/6, một trong những kênh liên lạc quan trọng giữa hai miền đã sụp đổ hoàn toàn. Dư luận khu vực tiếp tục theo dõi sát sao tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Vậy các nhà phân tích khu vực Đông Bắc Á nhận định như thế nào về các động thái rất mạnh mẽ gần đây của Triều Tiên?

Các nhà phân tích tại khu vực Đông Bắc Á đã đưa ra nhiều phán đoán về những lời cảnh báo quyết liệt và hành động đơn phương của Triều Tiên trong những ngày gần đây. Một mặt, hành động này được xem là phương pháp thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến các đòi hỏi của Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang bị đe dọa bởi dịch COVID-19.

Quan hệ liên Triều đổ vỡ gây lo ngại, thế giới không quá bất ngờ - Ảnh 4.

Xe cảnh sát Hàn Quốc tại tỉnh Paju ngày 12/6 ngăn các nhà hoạt động chính trị thả truyền đơn ở biên giới liên Triều. Ảnh: Yonhap.

Triều Tiên cho rằng tình trạng cấm vận kinh tế đã diễn ra quá lâu mà không đạt được tiến triển thực sự nào, bất chấp những lời cam kết và kêu gọi từ phía Hàn Quốc, và hy vọng thông qua việc gây sức ép mạnh lên Hàn Quốc và gián tiếp là Mỹ có thể đạt được một bước đột phá. Ngoài ra, giới phân tích cũng không loại trừ khả năng chính sách đối ngoại cứng rắn của Triều Tiên là để phục vụ các mục tiêu chính trị trong nước.

Giới chuyên gia có cho rằng Triều Tiên sẽ vượt lằn ranh đỏ, có những hành động quyết liệt hơn?

Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều không xem nhẹ các đe dọa của Triều Tiên và đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hành động của nước này. Các nhà phân tích không loại trừ khả năng Triều Tiên có thể tiến hành một vài hành động quân sự như thử tên lửa, tuy nhiên đây sẽ là các hành động có giới hạn và được tính toán cẩn thận để không làm đổ vỡ hoàn toàn mối quan hệ liên Triều. Về phía Hàn Quốc, nước này vẫn tiếp tục kêu gọi Triều Tiên kiềm chế và quay trở lại bàn đối thoại nhằm hiện thực hóa mục tiêu mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.

Quan hệ liên Triều đổ vỡ gây lo ngại, thế giới không quá bất ngờ - Ảnh 5.

Khói bốc lên từ khu công nghiệp Kaesong, được cho là hệ quả khi Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều. Ảnh: NK News.

Có chuyên gia đã vạch ra 2 ý nghĩa đằng sau việc văn phòng liên lạc chung liên Triều bị phá hủy. Thứ nhất, nó có thể cho thấy một cách tượng trưng rằng hợp tác kinh tế giữa hai miền đã chấm dứt. Bước tiếp theo sẽ là chấm dứt thỏa thuận quân sự. Nếu các hành động làm xấu thêm tình hình tiếp diễn, Seoul nghiêm khắc cảnh cáo "sẽ đáp trả mạnh mẽ".

Tuy nhiên, mới cách đây 1 ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon jae-in vẫn gửi đi thông điệp kiên định về niềm tin với Bình Nhưỡng, khẳng định tìm kiếm đối thoại và hợp tác giữa hai miền. Theo nhiều chính trị gia, bây giờ là thời điểm thích hợp để quay trở lại chiến lược ngoại giao năng động hơn với Triều Tiên, ví dụ như cử đặc phái viên đặc biệt đi đàm phán hoặc xúc tiến hội nghị thượng đỉnh liên Triều tiếp theo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước