Nhà máy điện ở Pakistan (Nam Á). Ảnh: Facebook
Những văn phòng tắt đèn. Những thang máy tạm ngừng hoạt động. Những hình ảnh lạ lẫm này đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Nhật Bản, khi nước này đối mặt với một mùa hè nắng nóng bất thường, với nhiệt độ nhiều nơi có lúc lên đến 38-40 độ C. Trong hoàn cảnh này, các sản phẩm chắn nắng, thảm cách nhiệt, khẩu trang làm mát… bán rất chạy.
Còn tại Pakistan là hình ảnh những buổi tối không ánh điện, chỉ có ánh nến cũng đang trở nên quen thuộc, vật dụng làm mát duy nhất chính là chiếc quạt nan. Hiện Pakistan đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hơn 6.000 megawatt điện. Tại nhiều nơi, tình trạng mất điện kéo dài tới 8-10 tiếng/ngày.
Bà Asma Faheem - Thành phố Karachi, Pakistan: "Có khi mất điện vào ban ngày, có khi vào buổi tối. Tôi không nấu ăn được, các con học bài cũng khó. Chúng tôi không thể mua dầu để chạy máy phát điện vì giá tăng mỗi ngày".
Muôn kiểu tiết kiệm điện của người Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản hiện đang yêu cầu người dân thực hiện tiết kiệm điện để tránh nguy cơ quá tải hệ thống cung ứng điện. Cùng với yêu cầu này, chính phủ và các công ty điện lực đã đưa ra hướng dẫn về tiết kiệm điện cùng với các cơ chế đổi điểm thưởng để khuyến khích người dân tiết kiệm điện.
Thủ đô Tokyo của Nhật đang ghi nhận chuỗi ngày nắng nóng kỷ lục - Ảnh: Asianews
Một hướng dẫn tiết kiệm điện đã được Chính phủ Nhật Bản ban hành từ cuối tháng 6, hướng dẫn này bao gồm các biện pháp cụ thể để người dân có thể tiết kiệm điện đến mức tối đa, nhằm hạn chế nguy cơ quá tải hệ thống cung ứng điện, đặc biệt là tại khu vực thuộc công ty điện lực Tokyo.
Ông Yoshihiko Isozaki - Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản: "Nguy cơ thiếu điện đã được cảnh báo trước tiên ở công ty điện lực Tokyo và chúng tôi kêu gọi người dân thực hiện tiết kiệm điện, đặc biệt trong khung giờ từ chiều đến tối nếu không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày".
Biện pháp hướng dẫn tiết kiệm điện hầu hết được các doanh nghiệp và các hộ gia đình thực hiện như bật điều hòa ở nhiệt độ hợp lý, tắt các bóng đèn không sử dụng, người dân cũng tìm đến các nơi mát mẻ như công viên để tránh nóng và hạn chế sử dụng điện tại nhà.
Ông Shigetoshi Okano - TP Tokyo, Nhật Bản: "Chúng tôi lựa chọn tuân thủ theo yêu cầu của chính phủ, trừ tủ lạnh, tôi tắt tất cả các thiết bị không cần thiết như máy tính trước khi ra khỏi nhà".
Nhật Bản có nguy cơ thiếu điện trầm trọng. Ảnh: Freepik
Cùng với hướng dẫn tiết kiệm điện, Nhật Bản còn có chương trình đổi điểm, thưởng tiền nếu người dân tiết kiệm điện hiệu quả, theo đó mỗi một Kw điện tiết kiệm hơn cho với trung bình trước đây, người dân sẽ được thưởng 2 Yen, tối đa có thể lên tới 2.000 Yen và có thể đổi ra điểm thưởng để mua hàng tại các siêu thị.
Mỹ thúc đẩy năng lượng tái tạo trong bối cảnh nắng nóng
Sử dụng tiết kiệm là một giải pháp, nhưng các nước cũng còn có giải pháp nữa là tăng nguồn cung. Tại Mỹ, giải pháp ấy cụ thể là đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Các bang Mỹ có thể không có đủ điện đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong mùa hè này. Hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trở nên thường xuyên hơn đã đánh sập, làm ngừng hoạt động nhiều nhà máy điện tại Mỹ. Nước Mỹ đã và đang tính đến phát triển nguồn năng lượng mặt trời.
Năm 2020, điện mặt trời chiếm khoảng 3% tổng lượng điện tại Mỹ. Tuy nhiên, tháng 9 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đặt ra tham vọng vào năm 2035, tỷ lệ này sẽ là 40% và đến 2050 sẽ đạt 45%. Để đạt được mục tiêu này, Mỹ phải bơm số tiền lớn cho cơ sở hạ tầng bao gồm lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời.
Mỹ nỗ lực thúc đẩy phát triển điện năng lượng mặt trời
Khoảng 80% pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Mỹ đến từ các nước Đông Nam Á. Và để sớm có đủ linh kiện cho các dự án năng lượng mặt trời, Nhà Trắng mới đây đã tuyên bố miễn thuế 2 năm cho tấm pin nhập khẩu từ 4 nước gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.
Nước Mỹ đang đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tới năm 2035 sẽ sử dụng hoàn toàn điện sạch (điện từ nguồn không phát thải khí carbon). Thay đổi nguồn điện vì lo lắng gây biến đổi khí hậu. Nhưng biến đổi khí hậu có thể sẽ "nhanh chân" hơn con người.
Đến năm 2019, điện từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí đốt vẫn chiếm tới 62% hệ thống điện của nước Mỹ. Điện sạch chỉ chiếm 38%. Trong khi, các cuộc tấn công bất thường của thời tiết như tại Texas năng ngoái xảy ra càng thường xuyên hơn. Và 1 năm sau, hệ thống lưới điện dù đã được cải thiện, vẫn đứng trước nguy cơ thiếu vì thời tiết.
Và vì thế, IEA cảnh báo để chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch hiệu quả và kịp với những mục tiêu chung, thế giới cần đầu tư nhiều hơn nữa vào công nghệ đi kèm, đó là công nghệ trữ điện, các thiết bị tái tạo và tiết kiệm điện năng. Bởi nếu không, quá trình chuyển đổi sẽ mất rất nhiều thời gian trong khi biến đổi khí hậu thì không chờ đợi ai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!