Căng thẳng Mỹ - Trung "đốt nóng" diễn đàn WHO

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 24/05/2020 10:30 GMT+7

VTV.vn - Trước thềm phiên họp toàn thể của WHO, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi bức thư ngỏ dài 4 trang tới WHO, yêu cầu tổ chức này phải có những cải cách trong 30 ngày.

Trong thư, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu tổ chức này phải có những cải cách trong 30 ngày, nếu không Mỹ sẽ rút tư cách thành viên và đóng băng các khoản đóng góp cũng như tài trợ. Về phần mình, WHO luôn khẳng định đã hành động trách nhiệm và minh bạch.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO nói: "Như mọi khi, WHO luôn luôn cam kết minh bạch, trách nhiệm và cải tiến liên tục. Chúng tôi muốn có trách nhiệm hơn bất kỳ ai".

Tại Hội nghị, WHO đã chấp thuận lời kêu gọi của các nước thành viên, yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra độc lập về phản ứng với đại dịch COVID-19. Cuộc điều tra dự kiến được thực hiện vào thời điểm thích hợp nhất. Quyết định đã nhận được sự ủng hộ của các nước, tổ chức quốc tế lớn.

Căng thẳng Mỹ - Trung đốt nóng diễn đàn WHO - Ảnh 1.

Dịch bệnh COVID-19 khiến cả thế giới chao đảo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hay: Trung Quốc ủng hộ ý tưởng đánh giá phản ứng toàn cầu trong dịch COVID-19 sau khi đại dịch được kiểm soát, để thu thập kinh nghiệm và giải quyết thiếu sót.

Thế nhưng, giữa những nỗ lực, cố gắng chung của cộng đồng quốc tế ủng hộ các giải pháp đa phương, đoàn kết chống đại dịch, những tranh cãi vẫn nổ ra. Liên tục là những màn đấu khẩu, quy trách nhiệm giữa các lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Dịch bệnh COVID-19 đã trở thành nơi Mỹ và Trung Quốc thể hiện sự cạnh tranh địa, chính trị.

Tổng thống Mỹ cho rằng: Trung Quốc là một quốc gia phức tạp. Họ có thể không đủ khả năng kiểm soát dịch bùng phát, hoặc cũng có thể họ đã chọn không làm gì cả. Nhưng cuối cùng thì cả thế giới bị ảnh hưởng.

Ông Triệu Lập Kiên - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả: Chúng tôi hi vọng Mỹ có thể đáp ứng kịp thời mối quan tâm của người dân nước họ một cách cởi mở, minh bạch, có trách nhiệm và thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đảm bảo cuộc sống, sức khỏe người dân, thay vì chỉ đổ lỗi cho người khác.

Kịch bản này đã khiến nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macro: Chúng ta cần WHO vì vai trò điều phối không thể thay thế, vì kinh nghiệm, kiến thức khoa học trong lĩnh vực này. Chúng ta cần 1 WHO mạnh mẽ đối phó với COVID-19. WHO, đó là chính chúng ta, những quốc gia thành viên. WHO phụ thuộc vào đóng góp của mỗi thành viên để thể hiện vai trò đầy đủ trong ứng phó toàn cầu với đại dịch.

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu: Trong thời điểm khủng hoảng này, chúng ta cần hành động như 1 tập thể. Và khi đánh bại con virus này, chúng ta sẽ cần phải trả lời câu hỏi là làm thế nào để WHO tiếp tục có thể chiến thắng những thách thức mới.

Căng thẳng Mỹ - Trung đốt nóng diễn đàn WHO - Ảnh 2.

Cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva.

Trong lúc này, câu hỏi không phải là đổ lỗi cho ai về trách nhiệm kiểm soát dịch bệnh mà đó là sự chia sẻ, minh bạch thông tin về cách thức ứng phó, các biện pháp chữa trị, kiểm soát dịch bệnh để cùng nhau rút kinh nghiệm, tiếp tục phối hợp tìm giải pháp hiệu quả nhất ứng phó với đại dịch trong thời gian tới.

Việc "đánh giá khách quan, độc lập và toàn diện về phản ứng toàn cầu với đại dịch" được nhận định là một việc làm quan trọng ở để đảm bảo rằng khi chúng ta đối mặt với đại dịch tới, chúng ta sẽ có một Tổ chức Y tế thế giới và một hệ thống quốc tế có khả năng phản ứng hiệu quả và quyết đoán nhằm cứu mạng người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước