Căng thẳng Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ về trữ lượng khí đốt khổng lồ ở Địa Trung Hải

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 28/08/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng liên quan tới hoạt động thăm dò tài nguyên tại vùng biển tranh chấp phía Đông Địa Trung Hải.

Lực lượng hải quân và không quân của Hy Lạp ngày 26/8 đã cùng Pháp, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và CH Síp tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung kéo dài 3 ngày ở ngoài khơi đảo Crete của Hy Lạp trên Địa Trung Hải. Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này có cuộc tập tập chung trên biển với tàu khu trục USS Winston S. Churchill của Mỹ tại phía Đông Địa Trung Hải.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp liên tục đưa ra những cảnh báo lẫn nhau về xung đột do các hoạt động thăm dò tài nguyên và tập trận. Căng thẳng liên tục leo thang trong thời gian gần đây sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên tại vùng biển tranh chấp.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố: "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giành lại các quyền của mình ở Biển Đen, Biển Aegean và Địa Trung Hải. Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa hiệp với những gì thuộc về mình, cũng như không đòi quyền lợi, lãnh thổ hay đặc quyền của quốc gia khác. Chúng tôi quyết tâm làm bất cứ điều gì cần thiết về mặt quân sự, chính trị và kinh tế. Chúng tôi muốn các đối tác của chúng tôi hiểu điều này và tránh những sai lầm có thể dẫn đến sự hủy diệt của họ".

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đáp trả: "Đối thoại đã trở nên không còn phù hợp trong bầu không khí căng thẳng và khiêu khích hiện nay. Chúng tôi sẽ không bao giờ là bên làm leo thang tình hình. Tuy nhiên, không có hành động khiêu khích nào mà không bị đáp trả. Chúng tôi sẽ phản ứng nếu cần thiết".


Căng thẳng Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ về trữ lượng khí đốt khổng lồ ở Địa Trung Hải - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên tại vùng biển tranh chấp

Trữ lượng khí đốt khổng lồ ở Địa Trung Hải khiến cuộc tranh giành tài nguyên leo thang

Giữa tháng 8, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều các tàu hải quân hộ tống tàu khai thác khí đốt Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp. Phía Hy Lạp cũng triển khai nhiều tàu chiến để giám sát động thái của các tàu Thổ Nhĩ Kỳ. Hy Lạp đã đặt quân đội vào mức báo động cao nhất và tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp, kể cả quân sự.

Vùng biển tranh chấp nằm ở Đông Địa Trung Hải, tại ngã ba giữa Đảo Crit của Hy Lạp, phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ và ngoài khơi đảo Síp. Khu vực phía Đông Địa Trung Hải được cho là khu vực có trữ lượng ước tính lên tới hơn 100.000 tỷ mét khối khí đốt và 31,7 tỷ thùng dầu thô.

Hy Lạp, Síp, Ai Cập và Israel đều đã nhanh chóng xác định các mỏ dầu và khí đốt dọc theo bờ biển của họ. Gần đây, Hy Lạp, Síp và Israel còn đạt được thỏa thuận bảo đảm cung cấp năng lượng cho châu Âu thông qua tuyến đường ống dài 2.000km từ Đông Địa Trung Hải.

Ankara tất nhiên là không muốn bỏ qua nguồn năng lượng chưa được khai thác này. Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở Địa Trung Hải trong những năm gần đây khiến cuộc tranh giành nguồn tài nguyên leo thang.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi hai bên kiềm chế

Căng thẳng tại Địa Trung Hải cũng là chủ đề chính trong cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao EU khai mạc tối 27/8 tại Đức. Cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều là thành viên của NATO, giới chức châu Âu lẫn NATO đều kêu gọi hai bên kiềm chế và tiến tới đối thoại để giảm căng thẳng.

Căng thẳng Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ về trữ lượng khí đốt khổng lồ ở Địa Trung Hải - Ảnh 2.

Tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống tàu khai thác khí đốt Oruc Reis

Ông Oliver Varhelyi - Cao ủy Châu Âu: Tôi kêu gọi giảm leo thang và hạ nhiệt căng thẳng. Những đối đầu hiện nay này sẽ không mang lại kết quả gì tốt đẹp. Nếu tiếp tục, khả năng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị đặt dấu hỏi lớn thông qua các hành động này.

Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO: Chúng tôi rất quan tâm đến tình hình ở phía Đông Địa Trung Hải. Cái chúng ta cần là giảm căng thẳng và đối thoại, cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều là đồng minh quan trọng của NATO trong nhiều năm, chúng ta cần tìm cách giải quyết tình hình ở Đông Địa Trung Hải dựa trên tinh thần đoàn kết trong liên minh và phù hợp với luật pháp quốc tế. Tôi hoan nghênh những nỗ lực của Đức trong việc đứng ra làm trung gian hòa giải, tìm ra hướng giải quyết mang tính xây dựng.

Ông Heiko Maas - Ngoại trưởng Đức: Chúng tôi đã nhất trí sẽ tạo điều kiện để Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp giải quyết các vấn đề của họ một cách trực tiếp với nhau. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đảm bảo rằng không xảy ra một cuộc đối đầu quân sự. Hiện Hội đồng châu Âu đang có kế hoạch sẽ thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ trong những tuần tới nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Pháp - Hy Lạp tiến hành tập trận hải quân giữa lúc gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ Pháp - Hy Lạp tiến hành tập trận hải quân giữa lúc gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ EU họp khẩn cấp về căng thẳng biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ EU họp khẩn cấp về căng thẳng biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ Khủng hoảng người di cư tại biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ Khủng hoảng người di cư tại biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước