Tại Indonesia, kể từ những năm 1990, các doanh nghiệp lớn trồng dầu cọ và gỗ giấy đã đẩy mạnh việc đốt rẫy và rừng để trồng. Các đám khói bụi do hoạt động đốt rừng này mỗi năm đều lan rộng ra những nước láng giềng.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tuyên bố những hình phạt nặng tay hơn với các danh nghiệp đốt rừng. Ông Widodo mới đây cũng đã cam kết sẽ giải quyết triệt để vấn đề này trong 3 năm tới. Trong lúc này, nhằm giải quyết nạn khói bụi từ Indonesia, rất nhiều nước ASEAN đã hỗ trợ Indonesia trong chiến lược diệt giặc lửa.
Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ cháy rừng lớn tại Indonesia.
Vào năm 1997, khu vực Đông Nam Á đã từng phải hứng chịu đợt khói mù tồi tệ nhất trong lịch sử do nạn đốt rừng tại Indonesia, với thiệt hại lên tới 4,5 tỷ USD. Đợt khói mù năm nay được dự báo sẽ còn kéo dài đến tháng 11/2015 và dự kiến tổn thất kinh tế từ đợt cháy rừng và khói bụi kéo dài 2,5 tháng này sẽ còn cao hơn trước.
Hiện một số quốc gia trong khu vực đã lên tiếng quan ngại về thực trạng đốt rừng lấy đất canh tác hàng năm tại Indonesia gây khói mù cho các nước láng giềng.
Singapore đang nghĩ tới một biện pháp phòng ngừa mạnh tay là đánh vào túi tiền các tập đoàn Indonesia đốt rừng lấy đất như việc xem xét nhập khẩu các sản phẩm như bột giấy, giấy và dầu cọ từ các công ty Indonesia này.
Trong khi đó, Thái Lan vừa kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN cần có một cuộc thảo luận chung và tìm cách khắc phục vấn đề này. Dự kiến vấn đề khói bụi từ Indonesia sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 11 các quốc gia thành viên tham gia Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (COP-11) vào ngày 29/10/2015 tại Hà Nội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!