Xe điện với ưu điểm là hạn chế phát thải khí carbon ra môi trường. Đây được coi là một giải pháp thiết thực để ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Ngay tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP23) vừa kết thúc tuần vừa qua, các nước trên thế giới đã nhất trí cùng chung tay hành động làm giảm lượng khí thải CO2.
Sau 3 năm chững lại, lượng khí CO2 do con người phát thải ước tính sẽ tăng 2% trong năm nay, lên con số 41 tỷ tấn. Các chuyên gia cảnh báo, với mức độ này, con người có thể không đủ thời gian để kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2oC so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Các phương tiện giao thông chiếm tới 1/3 lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, được xem là ngành phát thải cao nhất trong các ngành công nghiệp.
Tờ Telegraph của Anh có bài phân tích, cho thấy rất nhiều quốc gia đang đẩy mạnh phát triển và sản xuất xe điện để bắt kịp thời đại.
Xe chạy bằng xăng hay diesel sẽ dần bị cấm sử dụng trong thời gian tới. Cùng với đó, rất nhiều nước đang áp dụng các chính sách ưu tiên, khuyến khích hoặc bắt buộc các hãng phải sản xuất ô tô điện. Còn người dân sẽ nhận được nhiều ưu đãi khi sử dụng xe điện.
Na Uy hiện đang đi đầu xu hướng sử dụng xe ô tô điện trên toàn cầu. Cứ 5 xe lăn bánh trên đường ở nước này thì có một xe là chạy hoàn toàn bằng điện. Riêng trong năm 2016, có khoảng 40% lượng xe được bán ra là xe điện. Nauy sẽ chính thức cấm ô tô chạy bằng xăng và diesel vào năm 2025.
Mới đây, Vương quốc Anh cho biết sẽ cấm bán các loại xe chạy bằng xăng và dầu diesel kể từ năm 2040 nhằm làm sạch môi trường. Và đến năm 2050, tất cả các xe lưu thông trên đường sẽ phải đạt khí thải bằng 0.
Pháp cũng có động thái tương tự khi tuyên bố sau năm 2040, các nhà sản xuất ô tô chỉ được phép bán những chiếc xe chạy bằng điện hoặc các nguồn năng lượng sạch khác.
Còn tại Đức, chính phủ đã có những biện pháp hướng người tiêu dùng đến việc dùng các loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Chẳng hạn khi mua xe điện sẽ được giảm giá 4.700 USD. Ngoài ra, chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ lắp đặt 5.000 trạm sạc điện nhanh và 10.000 trạm sạc điện tiêu chuẩn ở các thành phố trên khắp cả nước.
Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất đối với xe ô tô điện và xe lai. Riêng trong năm 2016, 336.000 chiếc xe loại này đã được bán ra. Chính phủ sẽ hỗ trợ khoảng 7.000 USD cho người mua xe điện. Hiện chính phủ nước này đã xem xét kế hoạch cấm sản xuất và tiêu thụ các loại xe ô tô và xe tải chạy bằng xăng và dầu.
Ấn Độ, một trong những nước có nhiều thành phố ô nhiễm không khí nặng nề nhất thế giới hồi đầu năm nay cũng tuyên bố đến năm 2030, tất cả ô tô bán trong nước đều phải là xe điện.
Còn tại Việt Nam, thị trường ô tô hiện còn khá non trẻ nên chính phủ đang áp dụng các biện pháp khuyến khích chứ không bắt buộc các hãng ô tô phải sản xuất xe ô tô điện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!