Lũ lụt ở huyện Dadu, tỉnh Sindh, miền Nam Pakistan, ngày 27/8/2022. (Ảnh: AP)
Trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto-Zardari ngày 28/8 nhấn mạnh rằng Pakistan cần sự hỗ trợ tài chính để đối phó với tình trạng lũ lụt "kinh hoàng" hiện nay, đồng thời bày tỏ hy vọng các định chế tài chính như Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ tính đến tác động kinh tế của thảm họa thiên tai này.
Trước thực trạng này, một số quốc gia đã hành động khẩn cấp hỗ trợ Pakistan khắc phục hậu quả lũ lụt. Theo chỉ đạo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Cơ quan quản lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp (AFAD) vào tối 27/8 đã lập cầu hàng không để gửi hàng viện trợ cho Pakistan, bao gồm lều bạt, thức ăn, thiết bị vệ sinh, viện trợ nhân đạo…
Nhân viên AFAD cũng đã được triển khai đến những khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt của Pakistan để phân phát hàng viện trợ cũng như hỗ trợ dựng lều tạm cho các nạn nhân. Hoạt động cứu trợ này vẫn tiếp tục diễn ra trong ngày 28/8.
Dùng bè tạm bợ băng qua một con phố ngập lụt ở Hyderabad, Pakistan. (Ảnh: reuters)
Cùng thời điểm, Anh thông báo sẽ gửi 1,76 triệu USD viện trợ cho Pakistan. Quốc vụ khanh phụ trách khu vực Trung và Nam Á Lord Tariq Ahmad nói: “Chúng ta đang chứng kiến thảm họa mà biến đổi khí hậu có thể gây ra và tác động của nó đối với những người dễ bị tổn thương nhất. Tôi cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân và gia đình họ, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người tham gia vào các nỗ lực cứu trợ. Chúng tôi cũng đang làm việc trực tiếp với chính quyền Pakistan để hỗ trợ và tìm hiểu những yêu cầu bổ sung. Vương quốc Anh sát cánh với người dân Pakistan trong thời điểm cần thiết này”.
Mưa lớn gây lũ lụt từ đầu năm tới nay ở Pakistan đã làm hơn 1.000 người thiệt mạng, khoảng 1.500 người bị thương, phá hủy hơn 682.000 ngôi nhà và làm ảnh hưởng cuộc sống của hơn 33 triệu người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!