Hơn 1.300 nhà thầu quân sự từ khắp các quốc gia trên thế giới đã đổ về Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) những ngày này để tham dự vào một cuộc triển lãm quốc tế về quốc phòng tại đây. Bất chấp nhiều quốc gia tại Trung Đông đang phải đối mặt với tình trạng thâm thủng ngân sách do giá dầu hạ, mọi người vẫn được chứng kiến một không khí sôi động của những thương vụ mua bán vũ khí diễn ra ngay tại cuộc triển lãm. Một cuộc chạy đua vũ trang gia tăng là những gì nhiều người đang nói tới khi nhìn vào hàng tỷ USD các hợp đồng vũ khí được ký kết mỗi ngày.
Theo thống có đã có hơn 3 tỷ USD đã được ký kết sau 2 ngày triển lãm. Đáng chú ý, các hợp đồng mua bán vũ khí không chỉ được ký kết với các nhà thầu lớn của phương Tây, mà năm nay các công ty sản xuất vũ khí tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và một số nước vùng Vịnh cũng chiếm hơn 1/2 số hợp đồng được ký kết.
Xu hướng chạy đua quốc phòng của các nước vùng Vịnh như thế nào?
Giá dầu đi xuống và nhiều quốc gia Trung Đông đang phải mạnh tay cắt giảm ngân sách. Đây là một thực tế không còn nghi ngờ gì nhưng chi tiêu cho quốc phòng của các quốc gia Trung Đông không hề giảm, thậm chí còn tăng. Xuất phát từ căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân Iran, cho tới lệnh bao vây cấm vận Qatar của các nước Arab… không mấy bất ngờ khi các nghiên cứu dự báo rằng chi tiêu cho quốc phòng của chỉ riêng các quốc gia vùng Vịnh trong năm 2019 sẽ tăng lên hơn 103 tỷ USD.
Đáng chú ý, nếu như trước đây, Saudi Arabia vượt trội trong cuộc chạy đua mua sắm thiết bị quân sự, nay các quốc gia nhỏ hơn như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, hay Qatar cũng mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng. Chỉ một thời gian ngắn sau khi bùng phát căng thẳng ngoại giao với các nước vùng Vịnh, năm 2018 Qatar đã xếp thứ 8 trong số các quốc gia nhập khẩu vũ khí trên thế giới. Cuộc triển lãm lần này chứng kiến một sự vui mừng của các nhà thầu quân sự nhưng đó có thể là những chỉ dấu không lành cho khu vực này.
Nga đang đàm phán để cung cấp hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 cho Saudi Arabia. Giới phân phân tích đánh giá như thế nào về động thái này?
Saudi Arabia từ trước đến nay vẫn nổi tiếng với chính sách ngoại giao hợp đồng vũ khí. Thương vụ S-400 giữa Nga và Saudi Arabia tuy cho tới nay vẫn chưa được khẳng định nhưng có thể thấy thương vụ S-400 giữa 2 nước đã không còn gói gọn ý nghĩa trong một hợp đồng vũ khí. Thương vụ S-400 có thể đánh dấu một giai đoạn mới trong chính sách ngoại giao của Saudi Arabia, không còn chỉ phụ thuộc vào đồng minh truyền thống là Mỹ.
Ngoài ra, cũng còn một yếu tố khác khiến Saudi Arabia sẽ đứng ngồi không yên nếu không sở hữu S-400 đó là vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia đối đầu với Riyadh tại khu vực. Iran với mối quan hệ ngày càng gắn bó với Nga, không có gì đảm bảo sẽ không sở hữu S-400. Còn Qatar cũng đã từng bày tỏ ý tưởng sẽ sở hữu S-400, dù nhấn mạnh rằng nước này hiểu những hệ quả mà nó có thể gây ra trong mối quan hệ với các đồng minh phương Tây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!