Sau 3 ngày nhóm họp, Hội nghị cấp cao BRICS lần thứ 16 và hội nghị các nhà lãnh đạo nhóm BRICS mở rộng, diễn ra tại thành phố Kazan của Nga, đã kết thúc tốt đẹp vào ngày 24/10, với kỳ vọng định hình cấu trúc tương lai toàn thế giới.
BRICS - 5 chữ cái đầu tiếng Anh của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc sau này có thêm Nam Phi. Đây là các nền kinh tế mới nổi cách đây hơn 20 năm, được thành lập như một câu lạc bộ không chính thức vào năm 2009, do Nga khởi xướng.
Trong nỗ lực cạnh tranh với Mỹ và Liên minh châu Âu về thương mại và địa chính trị, BRICS ngày càng tập hợp được lực lượng lớn mạnh hơn.
Với chủ đề "Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng", sự kiện năm nay thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình mở rộng và củng cố tầm ảnh hưởng của BRICS.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS đã nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy hợp tác quốc tế, thể hiện vai trò ngày càng lớn mạnh của BRICS.
Hội nghị cấp cao BRICS lần thứ 16 tại thành phố Kazan, Nga, tháng 10/2024 (Ảnh: AFP)
Đồng thời nhấn mạnh, BRICS sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai và vượt qua các nước phát triển nhờ quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng năm 2024 với chủ đề "BRICS và Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn" theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nước Chủ tịch BRICS năm 2024. Hội nghị có sự tham dự của hơn 40 lãnh đạo, đại diện các nước thành viên BRICS và khách mời, trong đó có đại diện của các nước đang phát triển tại Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi và Mỹ La-tinh.
BRICS thúc đẩy chủ nghĩa đa phương
Tuyên bố chung tại hội nghị đã đưa ra cam kết mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhấn mạnh mục tiêu xây dựng một hệ thống thương mại toàn cầu bình đẳng, thúc đẩy các cơ chế đa phương, đảm bảo hòa bình, an ninh. Một trong những điểm nhấn là đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo BRICS về các tiêu chuẩn thương mại và cải cách thuế quốc tế.
Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh lợi ích của việc sử dụng các công cụ thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng, chi phí thấp; khuyến khích việc sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: "Chúng tôi đề xuất thành lập một nền tảng đầu tư mới trong BRICS. Nền tảng này sẽ trở thành công cụ mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế các thành viên, cũng như cung cấp nguồn lực, tài chính cho các quốc gia ở Nam và Đông bán cầu".
Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường hợp tác Nam bán cầu, nhấn mạnh hợp tác quốc tế, đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng là các nội dung quan trọng được các nhà lãnh đạo BRICS thảo luận trong bối cảnh một loạt các cuộc xung đột đang làm đảo lộn thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres (Ảnh: AFP)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: "Chúng tôi ủng hộ nhiều quốc gia Nam bán cầu hơn tham gia vào BRICS, để chúng ta có thể kết hợp sức mạnh to lớn của Nam bán cầu để cùng nhau xây dựng một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại".
Ông Fedor Voytolovskiy (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) cho rằng: "Các thể chế quốc tế mới, như BRICS, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, có thể thúc đẩy đáng kể cho sự phát triển của trật tự quốc tế ổn định hơn, an toàn hơn, đa phương hơn và toàn diện hơn".
Tại Hội nghị BRICS mở rộng với chủ đề "BRICS và Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất 5 kết nối chiến lược gồm: kết nối nguồn lực, kết nối hạ tầng chiến lược giữa BRICS và các nước đang phát triển; kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu; kết nối con người thông qua văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân; kết nối trong cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng liên kết, chia sẻ, số hóa, cân bằng, bình đẳng, hiệu quả, bao trùm, toàn diện để phát triển nhanh, bền vững".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: "Tôi tin tưởng rằng BRICS sẽ đoàn kết hơn nữa, phát huy sức mạnh nội sinh để cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng BRICS và cộng đồng quốc tế để hiện thực hóa ý tưởng "cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn".
Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP)
Giới phân tích nhận định, Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay cho thấy tổ chức này không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn tạo sức mạnh đoàn kết phát triển trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.
Tuyên bố chung Kazan đã vạch rõ những chiến lược cụ thể, đánh chú ý là việc tạo ra một hệ thống thanh toán xuyên biên giới, phát triển nền tảng đầu tư mới và tiếp tục phát triển các đặc khu kinh tế. Điều này giúp các thành viên của BRICS và các đối tác có thể sử dụng các công cụ tài chính vượt qua đồng USD.
Theo các chuyên gia, các sáng kiến này sẽ dẫn đến sự thay đổi trong mô hình thanh toán toàn cầu và BRICS sẽ trở thành một môi trường quốc tế thực sự hùng mạnh. Nền tảng đầu tư mới có thể xuất hiện trên cơ sở Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), với mục tiêu chính là tăng cường đầu tư vào các nước BRICS và Nam bán cầu. Trong khi đó các đặc khu kinh tế được xem là những cơ chế hoạt động hiệu quả để hợp tác thương mại và công nghiệp cũng như phát triển ngành sản xuất.
Các nhà lãnh đạo BRICS cũng đã nhấn mạnh về thúc đẩy chủ nghĩa đa phương toàn cầu trong Hội nghị vừa qua, vậy giới chuyên gia địa bàn có đánh giá ra sao về ý nghĩa, kết quả của chủ đề này trong bối cảnh hiện nay.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này đã xác nhận và ủng hộ các ưu tiên chính sách đối ngoại quan trọng của Nga. Khoảng một nửa số trang của Tuyên bố Kazan được dành cho chủ nghĩa đa cực - không chỉ chủ nghĩa đa phương, mà cụ thể là đa cực. Theo đó, trật tự thế giới đa cực sẽ góp phần mở rộng khả năng của các nước đang phát triển và hình thành thị trường để đảm bảo hợp tác có lợi, giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc phương Tây.
Сác cam kết của BRICS đối với chủ nghĩa đa phương và cải cách quản trị toàn cầu "phù hợp với lợi ích của các nền kinh tế mới nổi hướng tới việc có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong quá trình ra quyết định quốc tế". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế BRICS vẫn còn một chặng đường dài để khắc phục những khác biệt nội bộ, nhưng các nước BRICS đang cam kết thực hiện một chiến lược chung hướng tới đa cực và tăng cường tiếng nói của các nước đang phát triển trên trường thế giới. Từ đây, thông qua các sáng kiến kinh tế, vận động cải cách thể chế và lập trường nguyên tắc về chủ quyền và không can thiệp, BRICS có thể trở thành nền tảng thiết yếu để giải quyết các nguyện vọng và thách thức của các quốc gia Nam bán cầu.
TS. Phan Cao Nhật Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – cho rằng
Hội nghị thượng đỉnh BRICS vừa diễn ra cũng đánh dấu Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên mà BRICS mở rộng thêm thành viên từ đầu năm nay, từ 5 lên 10 thành viên với các thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và các tiêu vương quốc A rập thống nhất.
Việc BRICS kết nạp thêm thành viên, mở rộng thêm về quy mô, về tiềm lực kinh tế, về ảnh hưởng toàn cầu được nhận định là một trong những thành tựu quan trọng của khối.
BRICS hiện đang chiếm tỷ trọng hơn 35% kinh tế toàn cầu cũng như sở hữu thị trường khổng lồ với hơn 3 tỷ người và dự kiến đến năm 2030 sẽ chiếm 50% quy mô kinh tế toàn cầu.
Đồng thời, điều này cũng đại diện cho sự chuyển dịch theo hướng đa cực, hấp dẫn các quốc gia tìm cách đa dạng hóa quan hệ, thúc đẩy hợp tác của các nước Nam bán cầu, các nước đang phát triển để tăng cường tiếng nói của các quốc gia này trong các vấn đề quốc tế.
Vai trò ngày càng lớn mạnh của BRICS
BRICS đã tăng gấp đôi thành viên từ đầu năm nay kéo theo một loạt tác động địa chính trị, với sức mạnh kinh tế và nhân khẩu học ngày càng tăng.
Trong khi đó, nếu tính từ khi thành lập năm 2006, BRICS đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đang dần trở thành nơi tập hợp các nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới.
Ông Sergey Katyrin - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Nga – thông tin: "Tổng GDP của các nước BRICS hiện chiếm khoảng 1/3 tổng GDP toàn cầu. Tôi tin rằng đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu".
BRICS cũng đóng vai trò là nền tảng để tăng cường tiếng nói từ các quốc gia Nam bán cầu
Ông Erik Solheim - Cựu Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc – nhận định: "Tôi nghĩ vai trò của BRICS là cố gắng mang lại trật tự cho một thế giới đang thay đổi rất lớn. Chúng ta cần một trật tự trong thế giới đa cực mới này. Và đây là một tổ chức tập hợp tất cả các quốc gia muốn có một trật tự như vậy nhưng dựa trên lợi ích của Nam bán cầu".
Ông Georgy Toloraya - Giám đốc điều hành Ủy ban quốc gia nghiên cứu BRICS của Liên bang Nga – cho rằng: "BRICS trở nên có uy tín và có ảnh hưởng hơn. Vai trò, vị thế của BRICS đã tăng lên. Cần phải xem BRICS sử dụng ảnh hưởng này như thế nào và 10 nước có thể thống nhất với nhau về tất cả các vấn đề không. Tuy nhiên đây là một giai đoạn quan trọng và thú vị và là giai đoạn phát triển của BRICS chứ không phải đóng khung với những gì đã có".
Việc mở rộng thành viên mang lại lợi ích cho cả thành viên cũ và mới. Việc kết nạp Ai Cập và Ethiopia tăng cường tiếng nói từ lục địa châu Phi.
Trung Quốc muốn tăng cường đầu tư vào Ethiopia để nước này thành trung tâm của Sáng kiến Vành đai và Con đường tại châu Phi.
Trong khi đó, Ai Cập có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc và Ấn Độ, có quan hệ chính trị với Nga. Là một thành viên mới của BRICS, Ai Cập cũng đang tìm cách thu hút đầu tư nhiều hơn và cải thiện nền kinh tế.
Bà Sarah Khattab - Giám đốc điều hành Công ty Arập - Bắc Kinh, Trung Quốc – chia sẻ quan điểm: "Ai Cập có vị trí chiến lược rất lớn trên bản đồ. Ai Cập kết nối toàn thế giới với Châu Phi. Gia nhập BRICS là một bước tiến lớn đối với Ai Cập và tất cả các quốc gia khác thực sự đang cùng nhau đoàn kết vì hòa bình, vì tăng trưởng kinh tế, vì đầu tư, vì một thế giới tốt đẹp hơn và để giải quyết tất cả những điều khó khăn mà các nước đang phát triển đang phải đối mặt".
Bên cạnh đó, việc kết nạp 2 nền kinh tế lớn của thế giới Arab là Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, mang lại tiếng nói trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Saudi Arabia dẫn đầu các cuộc đàm phán hòa bình cho cuộc nội chiến ở Sudan và cuộc chiến ở Ukraine. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất tổ chức các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ-Pakistan và cả hai nước xem xét bình thường hóa quan hệ với Israel lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
Có thể nhận thấy với tiềm năng và vị thế của mình, BRICS không chỉ là một động lực thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển, mà còn có vai trò ngày càng lớn trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu.
BRICS thúc đẩy các hợp tác kinh tế mới VTV.vn - Thông qua cơ chế của BRICS, nhiều quốc gia trên toàn cầu đã và đang tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới, giúp mở rộng thị trường và tạo thuận lợi trong giao dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!