Bóng đen dịch cúm gia cầm

An Ngọc-Thứ năm, ngày 08/12/2022 11:16 GMT+7

Nhiều nước đang đối mặt với dịch cúm gia cầm nghiêm trọng. (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Dịch cúm gia cầm đang phủ bóng đen lên ngành chăn nuôi gia cầm nhiều nơi trên thế giới, gây nhiều thiệt hại cho hệ sinh thái.

Hàng nghìn con bồ nông chết trên bãi biển Peru

Những tuần gần đây, hình ảnh thường thấy trên nhiều bãi biển ở Peru là những con chim chết, với số lượng lên tới hàng nghìn con, trong đó chủ yếu là bồ nông. Đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tại quốc gia trên dãy Andes này đang phủ bóng đen lên ngành chăn nuôi gia cầm. Dịch vụ Y tế Nông nghiệp Quốc gia Peru đã tuyên bố cảnh báo sức khỏe vào tuần trước để ngăn chặn sự lây lan của cúm gia cầm tuýp A, phân nhóm H5N1, đối với gia cầm trang trại. Các nhà chức trách lo ngại rằng căn bệnh này sẽ lan rộng hơn nữa ở gia cầm thương mại và gia cầm nuôi thả vườn. Peru đã tạm thời đóng cửa một số bãi biển do dịch cúm gia cầm đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng ngàn con chim dọc theo bờ biển. Các bãi biển đã được dọn dẹp và khử trùng, tuy nhiên về lâu dài không thể loại trừ nguy cơ ngành du lịch bị ảnh hưởng theo hiệu ứng domino.

Bóng đen dịch cúm gia cầm - Ảnh 1.

Nhân viên y tế thu dọn xác chim bồ nông trên bãi biển Peru. (Ảnh: AP)

Venezuela cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự. Đợt bùng phát dịch cúm gia cầm ở loài bồ nông đã khiến giới chức Venezuela phải nỗ lực khẩn cấp để bảo vệ các nhà sản xuất gia cầm. Xác bồ nông xuất hiện trên các bãi biển, bờ sông, rừng ngập mặn và trên cây ở bang Anzoátegui phía Tây Bắc nước này. Các xét nghiệm khẳng định các trường hợp này dương tính với cúm gia cầm. Venezuela đã đưa ra biện pháp phòng ngừa, áp dụng lệnh cách ly 90 ngày đối với 5 bang: Anzoátegui, Sucre, Nueva Esparta, Miranda và la Guaira. Giới chức nước này đang đánh giá các biện pháp để tránh lây lan bệnh cúm sang các loài chim khác, đặc biệt là những loài nuôi lấy thịt.

Bolivia cũng ban hành cảnh báo dịch tễ học, theo đó các cơ quan y tế nông nghiệp nước này sẽ thực hiện các biện pháp giám sát dịch tễ học cần thiết để phát hiện sớm những ca mắc cúm gia cầm ở chim nuôi và chim hoang dã.

Trong khi đó, Ecuador ra lệnh tiêu hủy khoảng 180.000 con gia cầm từ các trang trại bị ảnh hưởng trong đợt dịch.

Tình hình ở châu Á cũng đáng báo động, khi dịch cúm gia cầm lây lan nhanh bất thường ở Nhật Bản. Hàn Quốc phải xét nghiệm virus cúm gia cầm tại các trang trại trên cả nước nhằm khống chế đợt bùng phát.

Dịch gia cầm tồi tệ nhất tại Anh đe dọa các loài chim hoang dã

Bóng đen dịch cúm gia cầm - Ảnh 2.

Vương quốc Anh đang đối mặt với đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất từ trước đến nay. (Ảnh: ITV)

Vương quốc Anh đang trải qua đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất trong năm nay với hàng triệu con gia cầm bị tiêu hủy. Ở vùng đất ngập nước phía Đông Bắc London, các nhà bảo tồn lo lắng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với các loài chim hoang dã trong những tháng mùa đông. Đây là nơi sinh sống của thiên nga, vịt, ngỗng, và nhiều loài khác. Dù toát lên vẻ yên bình, nhưng quần thể chim ở đây đang bị đe dọa.

Theo giám đốc thú y của Vương quốc Anh, Vương quốc Anh đang đối mặt với đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất từ trước đến nay, với hơn 250 trường hợp được xác nhận kể từ tháng 10/2021 và hàng triệu con gia cầm bị tiêu hủy. Từ đầu tháng 11, nhà chức trách Anh yêu cầu tất cả gia cầm và các loài chim nuôi nhốt khác ở Anh phải được nhốt trong nhà sau khi dịch cúm gia cầm được phát hiện tại hàng chục trang trại trên cả nước. Anh Peter Salter, nhân viên bảo tồn của tổ chức London Wildlife Trust cho biết: "Trước đây, cúm gia cầm là vấn đề đối với chăn nuôi gia cầm, hay chim nuôi nhốt. Tuy nhiên, tôi nghĩ bây giờ cần phải thừa nhận rằng nó cũng là một mối đe dọa lớn đối với quần thể chim hoang dã của chúng ta." Hiện tại, trung bình mỗi ngày anh Salter và đồng nghiệp nhặt được một con chim chết. Theo anh, hầu hết các trường hợp đều liên quan đến cúm gia cầm.

Bộ Môi trường Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh khuyến nghị mọi người không nên "chạm hoặc nhặt một con chim hoang dã đã chết hoặc có biểu hiện ốm yếu," đồng thời khuyến khích công chúng gọi cho một đường dây điện thoại chuyên dụng nếu phát hiện thấy trường hợp chim chết. Tại các vùng đất ngập nước, những tấm biển biển báo của Cơ quan Sức khỏe Động Thực vật đã được dựng lên để cảnh báo công chúng. Ông Ian Brown - người đứng đầu bộ phận virus học của cơ quan cho biết virus cúm gia cầm trong đợt dịch này từ châu Á xâm nhập vào châu Âu từ mùa thu năm ngoái. "Ngoài ra, chủng virus này cũng đã lây lan sang Châu Mỹ và sau đó đến Tây Phi. Chủng đặc biệt này, H5N1, dường như có thể lây lan giữa các quần thể chim hoang dã khác nhau. Sự lây lan được duy trì trong suốt mùa xuân, hè và thu, ở mức độ cao hơn nhiều so với từng thấy trước đây," ông Brown nhận định. Hiện tại, H5N1 chỉ lây từ động vật sang người, nhưng các chuyên gia lo ngại sự tiến hóa của virus theo hướng truyền từ người sang người có thể gây ra đại dịch toàn cầu.

"Môi trường thuận lợi nhất là lây lan từ loài chim này sang loài chim khác. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cảnh giác khi tiếp xúc trực tiếp với những con chim nhiễm bệnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa đầy đủ."

Một điều đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những tháng mùa đông. Virus không có dấu hiệu chậm lại hoặc biến mất, mà với sự di chuyển ngày càng nhiều của các loài chim trú đông từ Scandinavia, nguy cơ lây nhiễm là rất cao.

Tổ chức London Wildlife Trust đang kêu gọi chính phủ Anh làm nhiều hơn nữa để giúp các nhà bảo tồn theo dõi đợt bùng phát dịch bệnh tốt hơn, đồng thời tìm giải pháp phục hồi các đàn chim.

Pháp: Hậu quả của cúm gia cấm, gan béo cũng bớt béo

Bóng đen dịch cúm gia cầm - Ảnh 3.

Pháp khan hiếm gan béo mùa lễ hội. (Ảnh: Reuters)

Foie grass - món gan béo - là đặc sản của ẩm thực Pháp được làm từ gan ngỗng hoặc vịt, thường xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình Pháp vào mùa lễ hội. Thế nhưng năm nay, do dịch cúm gia cầm, Pháp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu gan béo - 1 tin không vui với người tiêu dùng nước này.

Chợ gia cầm Samatan mở cửa vào mỗi sáng thứ 2. Cửa vừa mở là khách hàng tràn vào tìm gan tươi. Nhưng năm nay, các quầy hàng không được đầy đặn như mọi năm. Trước mùa lễ hội 1 tháng, các trang trại gia cầm tại Gers - vùng chuyên nuôi ngỗng và vịt lấy gan tại Pháp chỉ có thể cung cấp 200kg gan ra thị trường, trong khi hằng năm là hơn 1 tấn. Dịch cúm gia cầm đang đẩy các chủ trang trại vào tình cảnh khó khăn và làm giảm đi ít nhiều niềm vui mùa lễ hội của các gia đình Pháp. Thông thường, ngỗng và vịt đực được nuôi để lấy gan béo, tuy nhiên, do dịch cúm gia cầm, số lượng gia cầm sụt giảm, giờ vịt cái cũng được đưa vào sử dụng.

Bóng đen dịch cúm gia cầm - Ảnh 4.

Pháp phải tiêu hủy hàng triệu con gia cầm do dịch cúm. (Ảnh: Reuters)

Pháp đã phải đối mặt với dịch cúm gia cầm suốt thời gian qua, từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 6 năm nay, đã có hơn 16 triệu con gia cầm bị tiêu hủy. Ông Jacques Candelon, chủ trại vịt tại Gers, cho biết: "Thực tế là chỉ có các trại ấp trứng ở phía Tây Nam là có sẵn vịt con trong năm nay. Vì vậy, chúng tôi buộc phải chia sẻ vịt con giữa các nhà sản xuất và các ngành khác nhau. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài nhân giống và ép vịt ăn."

Do dịch cúm gia cầm, sản lượng gan béo năm nay tại Pháp không những ít đi mà gan cũng nhỏ hơn. Giá sản phẩm dao động từ 55-60 euro/kg, cao hơn bình thường từ 15-20 euro. Đối với các gia đình Pháp, số tiền đội lên này cũng tạo áp lực nhất định cho hầu bao của họ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước