Biến thể Omicron xuất hiện, hàng loạt quốc gia triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường sớm

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 22/12/2021 11:35 GMT+7

VTV.vn - Các nước từ ngần ngại với mũi tiêm nhắc nay đã rút ngắn thời gian tiêm liều thứ 3. Biến thể Omicron đã thay đổi chiến lược tiêm chủng của thế giới.

Biến thể Omicron hiện đã có mặt tại 89 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với khả năng lây lan nhanh, Omicron đang dần trở thành chủng virus chính gây bệnh COVID-19 tại một số quốc gia như Mỹ, Anh. Biến thể này cũng đã khiến nhiều quốc gia phải hủy bỏ các kế hoạch lễ hội mừng Giáng sinh và năm mới. Trước tình hình này, để bảo vệ nỗ lực chống dịch, ngày càng nhiều nước rút thời gian chờ tiêm liều vaccine COVID-19 thứ ba từ 6 tháng xuống ngắn hơn nhằm ngăn chặn sự gia tăng số ca mắc biến thể.

Các nước rút ngắn thời gian tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba

Đầu năm 2021, nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã cho phép tiêm liều thứ ba 6 tháng sau khi tiêm hai mũi ban đầu. Tuy nhiên, đến tháng 12 này, Hàn Quốc, Anh và Thái Lan đã rút thời gian chờ tiêm liều thứ ba xuống còn 3 tháng, trong khi Bỉ rút xuống còn 4 tháng. Phần Lan khuyến nghị rút thời gian chờ tiêm liều thứ ba xuống còn 3 tháng đối với các nhóm có nguy cơ cao.

Pháp, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Italy và Australia cũng giảm thời gian chờ tiêm liều thứ ba xuống còn 5 tháng.

Quan điểm trái chiều về việc tiêm sớm mũi vaccine tăng cường

Một số nhà khoa học cho rằng, việc tiêm mũi tăng cường quá sớm có thể ảnh hưởng đến mức độ bảo vệ của vaccine trong dài hạn. Theo đó, 3 tháng dường như là thời gian quá ngắn bởi với các loại vaccine đa liều, hệ miễn dịch cần thời gian để phản ứng tốt hơn.

Với quan điểm ngược lại, các chuyên gia y tế khác lại nhận định, trong bối cảnh các biến thể mới có nguy cơ xuất hiện bất cứ lúc nào, mà sự lây lan của biến thể mới Omicron là ví dụ, việc tiêm mũi tăng cường sớm là cần thiết.

Biến thể Omicron xuất hiện, hàng loạt quốc gia triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường sớm - Ảnh 1.

Nhiều nước đã quyết định tiêm mũi tăng cường sớm. (Ảnh: AP)

Căn cứ khoa học để rút ngắn thời gian tiêm mũi tăng cường

Theo một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí The Lancet, khả năng bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca sẽ suy giảm sau 3 tháng kể từ khi tiêm hai mũi. Kết quả này có được sau khi các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu của 2 triệu người ở Scotland và 42 triệu người ở Brazil đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca.

Nghiên cứu được tiến hành trong giai đoạn mỗi khu vực lại ghi nhận các biến thể chủ đạo khác nhau, biến thể Delta phổ biến ở Scotland, còn ở Brazil là biến thể Gamma. Theo các nhà nghiên cứu, điều này đồng nghĩa sự suy giảm hiệu quả phòng bệnh có thể là do vaccine giảm hiệu lực và ảnh hưởng của các biến thể. Do vậy, các chuyên gia gia kêu gọi người dân cần tiêm mũi tăng cường ngay khi có thể.

Vaccine là công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nhưng hiệu quả của nó bị suy giảm đã là mối lo ngại trong một thời gian. Bằng cách xác định thời điểm vaccine bắt đầu suy yếu, các chính phủ có thể thiết kế chương trình tiêm liều tăng cường nhằm đảm bảo duy trì sự bảo vệ tối đa.

Trước đó, Cơ quan Dược phẩm của Liên minh châu Âu cũng đưa ra khuyến nghị có thể tiêm mũi vaccine tăng cường chỉ ba tháng sau mũi vaccine thứ hai. Tuy nhiên, việc áp dụng thế nào là tùy theo diễn biến dịch bệnh của từng quốc gia và do mỗi nước tự quyết định.

Mũi vaccine tăng cường là tuyến 'phòng thủ quan trọng nhất' chống lại Omicron Mũi vaccine tăng cường là tuyến "phòng thủ quan trọng nhất" chống lại Omicron Nga cập nhật vaccine chống các biến thể COVID-19 Nga cập nhật vaccine chống các biến thể COVID-19 Brazil cân nhắc tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ tư Brazil cân nhắc tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ tư

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước