Khoảng 10 ngày nay, sự xuất hiện của biến thể Omicron gần như đã gây ra một cơn địa chấn toàn cầu. Một biến thể mới với khả năng lây lan nhanh, điều tồi tệ mà bất kỳ ai cũng không muốn hình dung đến khi dịch COVID-19 đã bắt đầu bước vào năm thứ 3.
Thông tin về Omicron đã có quá nhiều, thậm chí đôi khi lại nhiều đến mức có thể khiến chúng ta hoang mang, không biết nên tiếp cận câu chuyện này thế nào, biến thể mới này nguy hiểm đến đâu, có thực sự đáng lo ngại, có đến mức thay đổi chiến lược chống dịch hiện nay?
Biến thể Omicron tiếp tục lây lan
Ít nhất 38 quốc gia đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron chỉ trong chưa đầy 2 tuần khi biến thể này chính thức được phát hiện và được xếp vào danh sách "đáng quan ngại" của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Omicron đang dần trở thành biến thể chiếm ưu thế trong làn sóng dịch mới tại Nam Phi. Trong khi đó, giới chức y tế châu Âu cũng đưa ra cảnh báo tương tự.
"Theo ước tính, biến thể Omicron sẽ chiếm chủ đạo tại Pháp và các nước châu Âu vào khoảng đầu năm 2022 hoặc cuối tháng 1.2022. Điều này cho chúng ta thời gian để chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch thứ 5 khi làn sóng dịch thứ 4 do biến thể Delta vẫn đang hoành hành và là kẻ thù chính" - ông Jean-Francois Delfraissy, Cố vấn khoa học của Chính phủ Pháp, cho biết.
Sự xuất hiện của Omicron đã làm chao đảo thị trường tài chính, khiến nhiều quốc gia siết chặt kiểm soát nhập cảnh nhằm ngăn chặn virus xâm nhập. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là các giải pháp tạm thời.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: AP)
"Các lệnh cấm đi lại sẽ không ngăn được sự lây lan quốc tế của Omicron và chúng đang tạo ra gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế" - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định.
Một cuộc chạy đua giải mã biến thể mới đã diễn ra. Đến nay, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy, số lượng đột biến protein gai trong biến thể Omicron nhiều hơn biến thể Delta. Các ca nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước, chủ yếu gồm mệt mỏi, đau đầu, đau họng. Các ca nhiễm biến thể mới cũng có độ tuổi trẻ hơn hơn so với biến thể Delta. Đáng chú ý, theo các số liệu từ Nam Phi, nguy cơ tái nhiễm do biến thể Omicron cao hơn 3 lần so với biến thể Delta và Beta khi ghi nhận tới 35.670 ca nghi tái nhiễm trong tổng số 2,8 triệu ca nhiễm.
"Dữ liệu sơ bộ cho thấy là biến thể mới có khả năng lây truyền cao hơn. Nhưng vẫn cần thêm thời gian nghiên cứu, chưa thể kết luận vội vàng" - ông Christian Lindmeier, Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới, cho biết.
Trong bức tranh còn tương đối sơ sài về Omicron, điểm sáng là cho tới nay chưa có ca tử vong nào do biến thể mới. Vẫn chưa có bằng chứng cho thấy các vaccine hiện tại không có hiệu quả với Omicron. Các nghiên cứu cũng cho thấy chưa phải thay đổi các tiếp cận phòng dịch hiện tại.
"Chúng ta cần chuẩn bị và thận trong nhưng không phải hoảng sợ vì đang ở trong một tình huống khác so với thời điểm đầu dịch. Chúng ta có công cụ, có nghiên cứu và có các dự báo trước về các biến thể mới sẽ xuất hiện" - bà Soumya Swaminathan, Nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới, khẳng định.
Sẽ cần thêm thời gian để tìm hiểu thêm về Omicron. Và trong lúc này, tiêm chủng đầy đủ, duy trì khoảng cách xã hội và sử dụng khẩu trang vẫn tiếp tục là các biện pháp cơ bản được giới khoa học khuyến cáo để hạn chế sự lây lan của virus.
Thế giới ứng phó với Omicron
Với những gì biết được về Omicron, có cơ sở để lo ngại và thận trọng về biến thể mới này. Các hoạt động siết chặt biên giới, kiểm soát đi lại với nước ngoài là phản ứng phổ biến đến lúc này của các quốc gia. Ở đây không phải chiến lược chống dịch thay đổi, sự đóng cửa tạm thời này được xem là động thái để có thêm thời gian, chờ đợi những nghiên cứu cụ thể hơn về Omicron.
Không giống như phản ứng ban đầu khi virus SAR-CoV-2 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, Omicron không bị thế giới đánh giá thấp. Giới chức Nam Phi, một trong những quốc gia châu Phi ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, đã lập tức chia sẻ các dữ liệu họ có về những ca nhiễm đầu tiên để các quốc gia có thể vạch ra chiến lược ứng phó kịp thời.
Trong khi đó, lo ngại trước thực trạng này, khoảng 70 quốc gia đã đóng cửa biên giới một loạt các quốc gia châu Phi, đồng thời áp đặt các lệnh hạn chế đi lại… như một cách để "câu giờ" trước khi các nhà khoa học hiểu rõ hơn về biến chủng Omicron. Một số nước thậm chí còn hành động trước khi WHO đưa ra khuyến cáo về biến chủng này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: AP)
"Chúng ta cần làm chậm quá trình lây lan của biến chủng này. Chúng ta cần tranh thủ thời gian để các nhà khoa học có thể hiểu chính xác về những gì đang phải đối mặt và có thêm nhiều người được chủng ngừa, được tiêm liều tăng cường" - Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định.
Tuy nhiên, cả WHO và nhiều chuyên gia dịch tễ thế giới nhấn mạnh hiện chưa có bức tranh hoàn chỉnh về mức độ đe dọa thực sự của biến chủng này, việc cấm đi lại sẽ chỉ gây thêm áp lực đối với cuộc sống của người dân.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP)
"Biến thể này là một yếu tố đáng lo ngại chứ không phải một nguyên nhân để hoảng loạn. Chúng ta có vaccine tốt nhất thế giới, các loại thuốc tốt nhất, các nhà khoa học tốt nhất và mỗi ngày chúng ta lại tìm hiểu thêm những điều mới. Chúng ta sẽ chống lại biến thể này một cách nhanh chóng với các hành động dựa trên kiến thức và khoa học chứ không phải hỗn loạn và hoang mang" - Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.
WHO và các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, trong khi các nhà khoa học đang săn lùng các bằng chứng để giải mã biến thể Omicron, điều các quốc gia cần làm là bình tĩnh, phối hợp chặt chẽ và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng cho người dân.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn đánh giá rằng, kể cả với ca mắc biến thể mới Omicron, vaccine vẫn có hiệu quả. Thậm chí, những người từng mắc các biến thể trước đó dường như không được bảo vệ chống lại Omicron nhưng vaccine vẫn có thể giúp ngăn các ca nhiễm này chuyển nặng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!