Biến động tỷ giá và các thách thức đối với kinh tế thế giới

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 17/07/2022 11:23 GMT+7

VTV.vn - Biến động mạnh của các đồng tiền, trong đó đặc biệt là USD ở mức cao, đang tạo những lo ngại nhất định về một tác động lan tỏa tới kinh tế thế giới.

Tuần qua, đồng USD tiếp đà tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng về một đợt tăng lãi suất mới của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày càng lớn. 

USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền chính khác, đạt mức cao nhất trong 20 năm. Cùng lúc đó, đồng Euro tiếp tục có xu hướng giảm, thấp nhất trong 20 năm và cũng trong tuần đã có lúc ở mức ngang giá với USD. Đồng Yen và hàng loạt đồng tiền lớn khác cũng giao dịch ở mức thấp kỷ lục. Biến động mạnh của các đồng tiền, trong đó đặc biệt là USD ở mức cao, đang tạo những lo ngại nhất định về một tác động lan tỏa tới kinh tế thế giới nói chung, vốn đang gặp không ít thách thức trong ứng phó lạm phát, thu hút đầu tư và áp lực nợ.

Tác động của tăng giá đồng USD tới kinh tế thế

Đồng USD đã tăng mạnh so với các đồng tiền chính trên toàn cầu trong năm qua, chạm mức chưa từng thấy trong 20 năm.

Biến động tỷ giá và các thách thức đối với kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Với đặc thù là tiền tệ dữ trự của thế giới, được sử dụng trong hầu hết giao dịch quốc tế, việc đồng USD tăng cao đã có tác động nhiều mặt đến kinh tế toàn cầu.

Xăng dầu và hầu hết các mặt hàng như kim loại hoặc gỗ thường được giao dịch bằng USD (mặc dù có ngoại lệ). Vì vậy, khi đồng USD mạnh lên, những mặt hàng nhập khẩu này sẽ có giá bằng nội tệ cao hơn, tạo ra một cú đòn kép. Khi năng lượng và nguyên liệu thô nhập khẩu tăng giá, giá thành của nhiều sản phẩm cũng tăng lên đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, gây ra lạm phát quy mô rộng.

Ông Damian Gravagna - Quản lý cửa hàng giầy Gravagna - cho biết: "Lạm phát ở Argentina đã tăng nhanh trong những ngày gần đây. Nó ở mức khoảng 50% trong năm nay và bây giờ nó đang tăng tốc. Thật không may, chúng tôi thấy nó có thể lên tới ba chữ số".

Hầu hết các nước đang phát triển đều nợ bằng USD, áp lực nợ tăng lên do thiệt hại giá. Các nước sẽ cần một lượng nội tệ quy đổi nhiều hơn để trả các khoản nợ bằng USD. Kết quả có thể là suy thoái sâu, lạm phát phi mã, khủng hoảng nợ chính phủ hoặc cả ba cùng lúc.

Chuyên gia kinh tế học Gareth Leather cho rằng: "Các đồng nội tế giảm không phải vì yếu mà vì phải đối mặt với đồng USD quá mạnh. Và với hầu hết các quốc gia, các ngân hàng trung ương, các nhà hoạch định chính sách đều dễ dàng nhận thấy 2 vấn đề, thứ nhất là sức ép về nợ nước ngoài và thứ hai là lạm phát".

Hầu hết các thị trường mới nổi phụ thuộc rất nhiều vào dòng tiền đầu tư nước ngoài từ Mỹ và các quốc gia phát triển khác. Tuy nhiên, khi đồng tăng giá sẽ làm đảo ngược dòng vốn, thúc đẩy dòng tiền chảy ra khỏi các thị trường này; làm giảm khả năng chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư đối với các thị trường mới nổi. Hệ quả là tăng trưởng tại nhiều quốc gia sẽ bị giảm tốc.

Bà Mercedes D'Alessandro - Nhà kinh tế học - cho biết: "Ở Mỹ Latin, việc Mỹ tăng lãi suất tạo ra sự khan hiếm USD để tài trợ cho các dự án sản xuất hoặc vay nợ. Dòng vốn chảy ra nhiều nơi".

Chuyên gia kinh tế Ken Gichinga cho rằng: "Việc tăng lãi suất ở Mỹ đã buộc các ngân hàng trung ương ở châu Phi cũng phải tăng lãi suất và điều đó có nghĩa là nền kinh tế của các nước châu Phi tăng trưởng chậm lại, đồng nghĩa với việc tạo ra việc làm thấp hơn".

Khi đồng USD tăng giá, để ngăn chặn thâm hụt thương mại, các nước sẽ tiếp tục áp đặt các chính sách thuế quan, hạn ngạch, thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ, cản trở quá trình toàn cầu hóa, đe dọa thương mại toàn cầu.

Tuy vậy, việc đồng đUSD tăng giá cũng sẽ có lợi cho xuất khẩu của các nước, đồng thời có lợi cho du lịch khi dòng người từ Mỹ sang các nước tăng do chi phí du lịch rẻ hơn.

Sự mất giá của nhiều đồng tiền trên thế

Đồng USD tăng cao, biến động địa chính trị, giá năng lượng tăng, rất nhiều yếu tố kết hợp tạo sự trượt giá đáng kể của nhiều đồng tiền lớn trên thế giới. Đáng chú ý nhất là câu chuyện của đồng Euro và Yen, cả hai đồng tiền này đều đang ở mức thấp nhất trong 2 thập kỷ.

Đồng Euro của châu Âu vừa trải qua một cú sốc lớn khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm. Trong phiên giao dịch ngày 14/7, đồng Euro có lúc đã xuống mức 0,995 Euro đổi 1 USD. Triển vọng chung của Khu vực đồng Euro (Eurozone) xấu đi trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao và lo ngại về việc Nga cắt nguồn cung khí đốt đang kéo đồng tiền chung đi xuống.

Biến động tỷ giá và các thách thức đối với kinh tế thế giới - Ảnh 2.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde (Ảnh: AP)

Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu - cho biết: "Chúng tôi dự định tăng các mức lãi suất chính của ECB thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 7. Trong tương lai xa hơn, chúng tôi dự kiến sẽ tăng lãi suất chủ chốt của ECB một lần nữa vào tháng 9. Tỷ lệ điều chỉnh thế nào sẽ phụ thuộc vào triển vọng lạm phát trung hạn".

Đồng Yen giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/1998 do chính sách tiền tệ siêu lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Đồng nội tệ Nhật Bản đã để mất 18% giá trị so với đồng bạc xanh. Hoàn cảnh của Nhật Bản thì khác. Lạm phát tuy đang ở mức 2,5% nhưng vẫn chưa phải là vấn đề. Mà nước này đang trải qua một cú sốc về chi phí năng lượng và nguyên liệu thô, tạo ra thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất trong gần một thập kỷ.

Biến động tỷ giá và các thách thức đối với kinh tế thế giới - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki (Ảnh: Ahram)

Ông Shunichi Suzuki - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản - cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khi chúng tôi theo dõi các động thái trên thị trường tiền tệ và tác động của chúng đối với nền kinh tế".

Đồng Bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm, ngay cả sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất 4 lần. Đồng Franc Thụy Sỹ giảm xuống mức ngang bằng với đồng USD lần đầu tiên kể từ năm 2019.

Đồng tiền mất giá, lạm phát sẽ trở nên tồi tệ hơn, khi đó tăng lãi suất là giải pháp.

Chuyên gia kinh tế Mỹ Brigg Macadam cho rằng: "FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến lãi suất của họ cao hơn tỷ lệ lạm phát. Đó là cách duy nhất".

Cho tới nay, đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Khi đồng USD tăng khiến đồng tiền khác trong giỏ tiền tệ mất giá. Điều này khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất.

Theo các chuyên gia, cuộc chiến tiền tệ nếu không được kiểm soát, sự cạnh tranh quốc tế này có nguy cơ gây ra sự biến động lớn về giá trị của các loại tiền tệ mạnh nhất, đồng thời lạm phát trở nên nghiêm trọng trên toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước