Thủ đô Moscow của Nga. (Ảnh:Getty Images)
Aleksey Korkorin, người đứng đầu Bộ phận Khí hậu và Năng lượng tại WWF Nga, cho biết hôm 23/5 rằng mặc dù mục tiêu trung hòa carbon có thể đạt được trên toàn thế giới từ những năm 2060, nhưng nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ tăng từ 2 - 2,5oC vào thời điểm đó so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Ông Kokorin nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng sự gia tăng nhiệt độ này sẽ dẫn đến những đợt nắng nóng lớn hoành hành thường xuyên hơn.
"Theo đó, nắng nóng mà chúng ta từng ghi nhận 10 năm một lần sẽ xuất hiện với tần suất 3 năm một lần. Bạn có thể sống, nhưng bạn phải thích nghi", ông Kokorin giải thích.
Trong trường hợp xấu nhất, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm 4,5 - 5oC trước khi nhân loại có thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Ông Kokorin tin rằng sự gia tăng nhiệt độ như vậy sẽ làm cho 9 hoặc 9 mùa hè trong số 10 mùa hè trở nên cực kỳ nóng. Đối với Nga, kịch bản này có thể dẫn đến việc thủ đô phải dời khỏi Moscow.
Vùng Krasnoyarsk tại Siberia. (Ảnh: www.admkrsk.ru)
"Điều đó có nghĩa là vào mùa hè, có lẽ sẽ không thể sống ở một đô thị như Moscow. Nếu tình hình thực sự trở nên tồi tệ như vậy, thủ đô sẽ là Krasnoyarsk hoặc Novosibirsk", ông Kokorin gợi ý, đề cập đến hai thành phố lớn ở Siberia. Đồng thời, ông thừa nhận rằng khả năng tình hình khí hậu xấu đi nhanh chóng vẫn còn khá mong manh.
Tuy nhiên, các nhà khí hậu học khác bày tỏ nghi ngờ về những lo ngại của ông Kokorin đối với số phận của thủ đô nước Nga. Aleksander Chernokulsky, một thành viên cao cấp tại Viện Vật lý Khí quyển, đã bác bỏ dự đoán này, coi đó là "lời nói đơn thuần" không nên được để ý.
Nhà khoa học nói với RBC: "Các đợt nắng nóng rất có thể xảy ra thường xuyên hơn, nhưng chúng cũng sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở Siberia".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!