Khu vực Biển Đen, nằm ở ngã tư địa chính trị và kinh tế quan trọng giữa châu Âu, châu Á và vùng Caucasus, hiện đang nổi lên như một tiêu điểm cạnh tranh địa chính trị giữa Nga và các nước phương Tây. Những cuộc tập trận, các hành động quân sự tại khu vực này nóng lên trong những ngày gần đây, báo hiệu một thời kỳ mới đối đầu căng thẳng ở vùng biển có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng này.
Toàn cảnh thế giới - 04/7/2021
Hai cuộc tập trận trên Biển Đen
Ngày 1/7, Hạm đội Biển Đen của Nga tập trận bắn đạn thật trên Biển Đen. Theo đó, 2 tàu đổ bộ cỡ lớn đã tập trận bắn các mục tiêu giả định trên biển và trên không ở Biển Đen. Cuộc tập trận của Nga diễn ra 2 ngày sau khi nước này thử nghiệm các hệ thống phòng không tại Crimea.
Cuộc tập trận của Nga diễn ra trong bối cảnh ngày 28/6, NATO và Ukraine đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân đa phương thường niên Sea Breeze (Gió biển) 2021 tại Biển Đen.
Tàu đổ bộ lớp Ropucha của Nga được điều đến Biển Đen (Ảnh: Hải quân Nga)
Cuộc tập trận Gió biển 2021 kéo dài 2 tuần được đánh giá có quy mô lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của 5.000 quân nhân đến từ hơn 30 quốc gia, bao gồm cả tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Ross của lực lượng Hải quân Mỹ ở Địa Trung Hải.
Moscow đánh giá, cuộc tập trận này là hành động được tính toán và nhằm mục đích gây bất ổn ở khu vực.
Tuy nhiên, đại diện Ukraine, nước chủ nhà của cuộc tập trận cho rằng, đây là hoạt động định kỳ thường xuyên nhằm khả năng phối hợp giữa các nước tham gia.
Điểm nóng cạnh tranh chiến lược giữa Nga và phương Tây
Tranh cãi về vụ tàu chiến của Anh đi qua vùng lãnh hải gần bán đảo Crimea ở khu vực Biển Đen là một trong những chủ đề được quan tâm trong cuộc đối thoại của Tổng thống Nga Putin với toàn dân cách đây ít ngày. Tổng thống Putin nhận định, vụ việc này nhằm thử phản ứng của các lực lượng Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)
Chiến lược Biển Đen của Nga được thực hiện một cách bài bản, nhất quán nhưng ở chiều ngược lại, hợp tác của các nước khu vực Biển Đen nhằm tìm cách để cân bằng thách thức từ Nga đang tăng nhanh.
Bên cạnh đó, Mỹ và NATO từ lâu đã tìm cách vượt qua rào cản của những công ước liên quan tới khu vực Biển Đen nhằm hiện diện vĩnh viễn ở khu vực này. Điều này thể hiện qua việc thời gian qua, Mỹ và NATO không ngừng tăng cường điều động binh lực đến Biển Đen một cách luân phiên, thông qua hoạt động diễn tập và hợp tác quân sự với Ukraine.
Giới phân tích của phương Tây đang lên tiếng kêu gọi NATO có chiến lược mới về khu vực Biển Đen. Điều này khiến nguy cơ rủi ro với khu vực là rất lớn.
NATO hướng tới xây dựng chiến lược Biển Đen
Trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo NATO kêu gọi Nga đảo ngược việc tăng cường quân sự và có những biện pháp hạn chế hàng hải ở các khu vực của Biển Đen. Bên cạnh đó, các nước cũng cam kết đóng góp cho các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không tại khu vực Biển Đen, tăng cường hợp tác với Gruzia và Ukraine trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở khu vực.
Biển Đen trước đây đã không nhận được sự quan tâm xứng đáng của NATO. Khu vực này là nơi chứng kiến sự tăng cường quân sự từ phía Bắc của Nga, sự trỗi dậy của Trung Quốc ở phía Đông và sự bất ổn ở Trung Đông từ phía Nam.
Các tàu của NATO hoạt động ở Biển Đen (Ảnh: PRESSTV)
NATO vài năm gần đây luôn tìm cách tăng cường hiện diện ở Biển Đen, đặc biệt là sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea. Tuy nhiên, vùng biển rộng hơn 400 nghìn km vuông này chỉ có một lối vào qua eo biển Bosphorus do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Theo Công ước Montreux ký năm 1936, các nước không thuộc Biển Đen chỉ có thể duy trì sự hiện diện ở vùng biển này tối đa là 21 ngày và tổng trọng tải của các tàu này không được vượt quá 30.000 tấn.
Theo nhà nghiên cứu Luke Coffey thuộc Quỹ Heritage, việc xây dựng một chiến lực Biển Đen vào lúc này là cần thiết. NATO có thể hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, với vai trò là quốc gia thực hiện công ước Montreux, thành lập nhóm Tuần tra hàng hải Biển Đen thường trực theo mô hình của chiến dịch Người bảo vệ biển thành công ở Địa Trung Hải.
Theo gương các sứ mệnh khác của NATO ở Baltic hoặc Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò điều phối để thu hút các đồng minh NATO khác tham gia và hỗ trợ. Một lực lượng như vậy sẽ đòi hỏi các thành viên không thuộc Biển Đen cam kết trước về sự hiện diện hàng hải thường xuyên và luân phiên ở Biển Đen, phù hợp với Công ước Montreux năm 1936.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!