Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Cơ hội tạo bước ngoặt cho cuộc đua vào Nhà Trắng

Theo TTXVN-Thứ năm, ngày 22/10/2020 19:52 GMT+7

Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden (Ảnh: Bloomberg)

VTV.vn - Đối với cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ, tận dụng được thành công cơ hội này sẽ giúp tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa trong giai đoạn quan trọng nhất của cuộc bầu cử.

Tối 22/10 (tức sáng 23/10 theo giờ Việt Nam), đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden sẽ bước vào cuộc tranh luận thứ hai và cũng là cuộc tranh luận cuối cùng trong tiến trình bầu cử. Đối với cả hai ứng cử viên, tận dụng được thành công cơ hội này sẽ giúp tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa trong giai đoạn quan trọng nhất của cuộc bầu cử và có thể giành được chiến thắng chung cuộc sau 11 ngày nữa.

Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút, không có giờ nghỉ giải lao, được truyền hình trực tiếp, bắt đầu từ 21h00 giờ địa phương tại Đại học Belmont ở Nashville, bang Tennessee. Người điều phối phiên tranh luận sẽ là phóng viên dẫn chương trình "Weekend Today" Kristen Welker của NBC News.

Cũng giống như lần đầu tiên, cuộc tranh luận lần này chia thành 6 phần, mỗi phần kéo dài 15 phút, tập trung vào 6 chủ đề quan trọng, bao gồm đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giá trị các gia đình người Mỹ, biến đổi khí hậu, an ninh quốc gia và phân biệt chủng tộc. Hiện chưa rõ liệu chủ đề về chính sách đối ngoại có được đề cập tới trong cuộc tranh luận hay không. Trước đó, ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump đã lên tiếng chỉ trích 6 chủ đề nêu trên là "có lợi cho ứng cử viên Joe Biden", đồng thời cho rằng cần đưa chủ đề về chính sách đối ngoại vào tranh luận.

Theo nhận định của giới chuyên gia, cựu Phó Tổng thống Biden đang có cách tiếp cận thận trọng trước cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng và tìm cách duy trì lợi thế hiện có. Sau cuộc tranh luận đầu tiên, tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho ông Biden tăng lên, giúp nới rộng khoảng cách dẫn trước của ông đối với Tổng thống Trump. Chính vì vậy, điều ứng cử viên Biden cần thể hiện trong cuộc tranh luận cuối cùng này chính là tiếp tục tạo ra sự tương phản trong kế hoạch và hành động giữa ông và Tổng thống Trump về một loạt vấn đề nóng hiện nay mà nước Mỹ đang phải đối mặt, tập trung xoáy vào việc xử lý đại dịch COVID-19 hay vấn đề nền kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump, đồng thời tránh mọi sai lầm trong tranh luận.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Cơ hội tạo bước ngoặt cho cuộc đua vào Nhà Trắng - Ảnh 1.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden (Ảnh: AP)

Các chuyên gia cho rằng giống như lần trước, ứng cử viên Biden cần có vẻ ngoài phù hợp, có kiểm soát và cũng cần phải tiếp tục duy trì cách thức nói chuyện trực tiếp với người dân Mỹ như lần đầu ông thể hiện. Đồng thời, ứng cử viên đảng Dân chủ phải chuẩn bị kỹ trước sự tấn công cá nhân mạnh mẽ của Tổng thống Trump liên quan tới con trai của ông Biden là Hunter Biden, cũng như các cáo buộc khác.

Đối với Tổng thống Trump, giới phân tích cho rằng ông cũng như ban vận động tranh cử của mình cần phải điều chỉnh chiến thuật tranh luận bởi rõ ràng cách thức mà ông thể hiện trong cuộc tranh luận đầu tiên hầu như không mang lại hiệu quả. Ngược lại, Tổng thống Trump có vẻ phải chịu thiệt hại nhiều hơn khi mất điểm trước cử tri. Nhiều chuyên gia nhận định lần này, Tổng thống Trump nên để đối thủ chính trị của mình nói nhiều hơn và từ đó có thể khiến ông Biden bộc lộ những điểm yếu.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Cơ hội tạo bước ngoặt cho cuộc đua vào Nhà Trắng - Ảnh 2.

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP)

Trong bối cảnh giờ "G" sắp điểm, cả hai ứng cử viên đều gấp rút vận động sự ủng hộ của cử tri tại các bang được đánh giá là "dao động". Đây là những bang được xem là mang tính quyết định đối với cuộc bầu cử. Dưới sức ép phải tạo được bước xoay chuyển cục diện của cuộc đua, Tổng thống Trump đã di chuyển liên tục trong ngày 18/10 từ bang Nevada đến bang California, sau đó trở lại Nevada trong ngày để tổ chức các sự kiện vận động và gây quỹ tại thành phố Carson. Các điểm dừng chân tiếp theo trong tuần này của ông Trump bao gồm bang Arizona, Pennsylvania và Bắc Carolina. Trong khi đó, ứng cử viên Biden cũng có các cuộc vận động ở bang quê nhà Delaware và Bắc Carolina, nơi đảng Dân chủ chưa từng giành chiến thắng kể từ năm 2008.

Tính tới thời điểm này, hầu hết các cuộc thăm dò trên toàn quốc đều cho thấy ứng cử viên Joe Biden hiện đang dẫn trước Tổng thống Trump với khoảng cách cách biệt. Hiện, ông Biden đang tiếp tục có lợi thế trước đối thủ ở 9 bang chiến địa quan trọng, trong khi Tổng thống Trump chỉ dẫn trước ở 4 bang. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến mới của Đại học Quinnipiac cho thấy ông Biden và Tổng thống Trump đang có tỷ lệ ủng hộ tương đương nhau, 47% ở Texas, bang kể từ năm 1976 đã không bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ và điều này mang lại sự lạc quan cho một số đảng viên Dân chủ, những người đang hy vọng cựu Phó Tổng thống Biden có thể giành chiến thắng vang dội.

Trong bầu cử Mỹ, phần lớn các bang thường liên tục bỏ phiếu cho một đảng (Dân chủ hoặc Cộng hòa). Tuy nhiên, có một số bang không nằm trong xu hướng này. Đây là những bang có tính cạnh tranh cao do sự thay đổi trong việc bỏ phiếu cho các đảng khác nhau xuyên suốt các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Những bang này có số lượng lớn cử tri chưa rõ quan điểm ủng hộ cho ứng cử viên nào. Theo thống kê, hiện có khoảng 10% số cử tri của Mỹ vẫn chưa thể quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai trong cuộc bầu cử năm nay. Đây là tỷ lệ không lớn, nhưng cũng đủ để có thể tạo ra bất ngờ và xoay chuyển cục diện bầu cử.

Tuy nhiên, cũng cần hết sức thận trọng trước kết quả các cuộc thăm dò dư luận bởi nó chưa chắc đã phản ánh được đúng những gì đang diễn ra. Điều này đã từng xảy ra năm 2016 khi mọi kết quả đều dự báo cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton có hơn 70% cơ hội thắng cử. Trong ngày bầu cử, các bang từng có kết quả thăm dò ủng hộ đảng Dân chủ trên thực tế đã chuyển sang bỏ phiếu cho ông Trump, và phần lớn trong số đó là các bang dao động. Năm nay cũng có thể sẽ không phải là một ngoại lệ nếu lượng lớn cử tri dao động tại các bang chiến địa không thể hiện quan điểm thật của mình, hay im lặng hoặc bị bỏ sót trong các cuộc thăm dò dư luận. Họ chính là một bộ phận quan trọng, âm thầm ủng hộ Tổng thống Trump.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều yếu tố khác có thể tác động tới kết quả cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay như tỷ lệ bỏ phiếu sớm trực tiếp và qua bưu điện đạt mức cao kỷ lục tại nhiều bang, số lượng cử tri đảng Dân chủ đăng ký bỏ phiếu qua bưu điện cao hơn đảng Cộng hòa có thể dẫn tới một lượng lớn phiếu bầu không hợp lệ, hay mức độ nhiệt tình của các nhóm cử tri đi bỏ phiếu. Đơn cử như vấn đề bỏ phiếu qua đường bưu điện tiếp tục gây tranh cãi tại Mỹ.

Mặc dù việc bỏ phiếu qua đường bưu điện đã đươc triển khai ở Mỹ từ nhiều năm qua, như trong kỳ bầu cử Tổng thống 2016, đã có 33 triệu cử tri gửi lá phiếu qua đường bưu điện, song năm nay, hình thức này được mở rộng quy mô do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho tới nay vẫn phản đối, cho rằng việc thay đổi hình thức bầu cử như thế này sẽ dẫn tới các hành vi "gian lận", mặc dù theo các chuyên gia bầu cử, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy việc bỏ phiếu qua bưu điện dẫn đến gian lận nhiều hơn bỏ phiếu trực tiếp.

Tại Mỹ, việc bỏ phiếu qua đường bưu điện được quy định khá chặt chẽ, như cử tri phải chứng minh danh tính bao gồm cả chữ ký như khi bỏ phiếu trực tiếp; các phiếu bầu và phong bì đều có mã khu vực bầu cử và mã cử tri.... Tuy nhiên, thủ tục bỏ phiếu qua bưu điện ở mỗi bang cũng có khác biệt, một số bang tạo điều kiện thuận lợi, cũng có bang ban hành những quy định khá khắt khe, như việc bỏ phiếu qua bưu điện chỉ dành cho những người không thể có mặt trực tiếp đi bầu.

Dịch bệnh COVID-19 khiến số lượng cử tri muốn bỏ phiếu qua đường bưu điện trong cuộc bầu cử năm 2020 dự báo sẽ gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ phiếu qua bưu điện giúp cử tri có nhiều thời gian cân nhắc, tìm hiểu, song cũng không ít ý kiến lo ngại rằng số lượng lớn các phiếu đổ dồn cùng lúc sẽ làm rối loạn việc kiểm phiếu.

Hồi tháng 8, Dịch vụ Bưu điện Mỹ (USPS) đã gửi thư tới hầu hết các bang để cảnh báo hàng triệu phiếu bầu gửi qua đường bưu điện trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể sẽ không được chuyển tới điểm đến kịp thời để phục vụ việc kiểm phiếu. Theo USPS, các thời hạn cụ thể về đề nghị được bỏ phiếu qua đường bưu điện hay việc đi bỏ phiếu qua đường bưu điện không phù hợp với các tiêu chuẩn chuyển phát của USPS. Điều này gây ra nguy cơ khi đến sát hạn đăng ký theo luật pháp bang, cử tri mới đề nghị được bỏ phiếu qua đường bưu điện thì phiếu bầu sẽ khó có thể được chuyển trở lại kịp thời hạn kiểm phiếu theo quy định pháp luật của các bang. Yếu tố này có thể tạo ra rủi ro và ảnh hưởng tới kết quả bầu cử.

Chính vì vậy, dù ông Biden có được khoảng cách dẫn trước Tổng thống Trump lớn hơn những gì bà Clinton từng đạt được trong năm 2016, vẫn khó có thể đưa ra dự đoán kết quả cho cuộc bầu cử năm nay tại thời điểm này, thậm chí sau cuộc tranh luận cuối cùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước