Bạo hành phụ nữ: Không chỉ là nỗi đau thể xác...

Anh Tuấn (Thời sự - thoisu@vtv.vn)-Thứ ba, ngày 25/11/2014 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa

Câu chuyện về tình trạng bạo hành phụ nữ ở Pakistan cũng là tình trạng chung tại nhiều quốc gia trên thế giới. Điều quan trọng, những nạn nhân cần phải biết đứng lên tự bảo vệ mình

Ngày hôm nay (25/11) là ngày Quốc tế Xoá bỏ Bạo lực với Phụ nữ và trẻ em. Đây là tình trạng nhức nhối diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoài nỗi đau về thể xác và tinh thần, nhiều trường hợp phải sống phần còn lại của cuộc đời mình trong tâm trạng tuyệt vọng vì công lý vẫn chưa được thực hiện.

Câu chuyện từ Pakistan cho thấy mặc dù luật pháp đã được ra đời để bảo vệ người phụ nữ, nhưng việc nâng cao nhận thức, và đặc biệt người phụ nữ phải ý thức được quyền lợi của mình là không kém phần quan trọng.

Cuộc sống của chị Ruquayya Parveen chuyển từ tồi tệ thành địa ngục vào 18 tháng trước đây, khi người phụ nữ Pakistan 26 tuổi này bị người chồng nghiện rượu tạt axít.

Chị Ruquayya Parveen, nạn nhân của tình trạng bạo hành gia đình cho biết: “Tôi đang ngủ với con thì chồng tôi đột nhiên xuất hiện và ném trọn cả can axít vào người tôi. Cảm giác của tôi tê liệt đi vì đau. Khi nghe thấy tiếng thét, mẹ tôi liền chạy tới và đưa tôi đi bệnh viện. Lúc đó, trên người tôi không có quần áo. Chú tôi khoác một mảnh vải lên người tôi, nhưng nó thậm chí còn bị axít ăn mòn. Các con tôi cũng bị axít dây vào người và đều bị bỏng”.

Vụ tấn công khiến chị Parveen trở thành tàn tật và mất việc làm. Đối với chị, nỗi đau không chỉ nằm ở thể xác, và tinh thần, mà còn là cảm giác công lý chưa được thực hiện.

Dù đã báo chính quyền, song chồng của chị Parveen vẫn đang nhởn nhơ ngoài pháp luật.

Chị Ruquayya Parveen nói: “Hôm nay là tôi, ngày mai sẽ là một người khác là nạn nhân. Những người nghèo như tôi không có hy vọng nhận được công lý”.

Chị Parveen chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp bạo hành diễn ra ở Pakistan hàng năm. Một báo cáo gần đây cho thấy tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ở quốc gia Nam Á này ở trong top cao nhất thế giới.

Hầu hết những trường hợp nói trên đều kết thúc trong im lặng vì thiếu hiểu biết, vì xấu hổ, sợ hãi và vì một hệ thống luật pháp thiếu sự cứng rắn trong việc thi hành.

Bà Uzma Noorani, trung tâm tạm trú cho phụ nữ bị bạo hành Panah chia sẻ: “Chúng ta hiện đang có một số luật ủng hộ người phụ nữ. Luật về bạo lực gia đình cũng đã được thông qua. Chính quyền đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới tình trạng bạo hành đối với người phụ nữ. Nhưng chỉ ban hành luật thôi chưa đủ, quá trình thực hiện mới quan trọng”.

Những trung tâm tạm trú là nơi duy nhất phụ nữ bị bạo hành ở Pakistan có thể tìm đến. Tại đây, họ không chỉ được tư vấn mà còn được dạy những kỹ năng giúp họ có khả năng độc lập về tài chính.

Theo các nhà hoạt động về quyền con người, những phụ nữ bị bạo hành cần coi bản thân là những người đã sống sót hơn là nạn nhân, bởi điều này cần thiết cho việc tái hoà nhập vào cộng đồng.

Bà Rubina Qaimkhani, Bộ trưởng Bộ phát triển phụ nữ và phúc lợi xã hội tỉnh Sindh, Pakistan cho biết: “Chúng ta cần phải thay đổi tư duy của cả xã hội. Cần phải giúp phụ nữ nhận thức được quyền lợi của mình, và họ cần biết làm thế nào họ có thể đấu tranh cho quyền lợi của mình”.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng hơn hết là chính phụ nữ Pakistan cần phải đứng lên để bảo vệ bản thân mình.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước