Tình trạng lừa đảo trực tuyến tại Singapore đang có xu hướng gia tăng và trở nên phức tạp hơn. Một khảo sát trong chiến dịch "SG Ready" - chiến dịch phòng thủ toàn diện quy mô quốc gia - cho thấy khoảng 17% trong số hơn 4.500 nhân viên tại 200 doanh nghiệp đã nhấp vào các liên kết lừa đảo trong email giả mạo chỉ trong vòng 2 tuần.
Cuộc thử nghiệm diễn ra từ ngày 15 - 28/2, với các email lừa đảo mang nội dung như cảnh báo bảo mật, liên lạc nội bộ… gửi đến nhân viên thuộc 5 nhóm ngành: bán lẻ, công nghiệp, tư vấn – dịch vụ, môi trường, chăm sóc sức khỏe. Kết quả cho thấy hơn 30% số email lừa đảo đã được mở, trong đó các email giả danh thông tin nội bộ có tỷ lệ nhấp chuột cao nhất.
Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu cảnh báo rõ ràng về việc cần phải tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng nhận diện lừa đảo và củng cố hệ thống an ninh mạng trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Singapore dán thông báo nhiều nơi cảnh báo tình trạng lừa đảo trực tuyến. (Ảnh: S.T)
Dữ liệu từ cơ quan chức năng Singapore cho thấy năm 2024, số vụ lừa đảo và tội phạm mạng tại nước này đã tăng 10,8%, lên gần 56.000 vụ, gây thiệt hại hơn 1,1 tỷ SGD (tương đương 820 triệu USD), tăng 70% so với năm 2024. Trong đó, lừa đảo qua thương mại điện tử, việc làm, email, đầu tư và cuộc gọi giả mạo là phổ biến nhất. Đáng chú ý, thiệt hại liên quan đến tiền điện tử chiếm hơn 24% tổng thiệt hại.
Khoảng 70,9% nạn nhân là thanh thiếu niên và người trưởng thành dưới 50 tuổi. Tuy nhiên, nhóm người cao tuổi – dù chiếm tỷ lệ nhỏ – lại là nhóm chịu thiệt hại trung bình cao nhất.
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam tại Singapore, ông Neal Jetton – Giám đốc Cơ quan phòng chống tội phạm mạng của Interpol – nhận định: "Lừa đảo mạng, đặc biệt là phishing (giả mạo thông tin để đánh cắp dữ liệu), đang là hình thức phổ biến nhất tại Đông Nam Á. Cùng với đó là sự gia tăng của mô hình "tội phạm mạng dưới dạng dịch vụ" và các loại mã độc tống tiền (ransomware)".
Trụ sở Interpol tại Lyon, Pháp. (Ảnh: Getty Images)
Ông Jetton cũng nhấn mạnh tội phạm mạng mang tính xuyên quốc gia, do đó không quốc gia nào có thể tự xử lý triệt để. Việc hợp tác giữa các nước, cũng như giữa các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân là điều thiết yếu để nâng cao hiệu quả phòng chống.
Liên quan tới các "trung tâm lừa đảo" đang nổi lên tại khu vực, ông Jetton khuyến nghị cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. "Nếu một lời mời làm việc hay một cơ hội đầu tư nghe quá hấp dẫn, thì đó rất có thể là bẫy lừa đảo. Mọi người cần kiểm tra kỹ lưỡng trước khi cung cấp thông tin hay chuyển tiền", ông nói.
Các chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo rằng tội phạm đang tận dụng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các trang web giả mạo ngày càng tinh vi, khiến người dùng khó nhận biết. Trong khi công nghệ AI vẫn đang trong quá trình hoàn thiện khả năng phòng chống, việc nâng cao nhận thức cá nhân và chủ động cảnh giác vẫn là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!