Bão Daniel gây chết chóc nhất toàn cầu trong vòng 10 năm qua

Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 21/09/2023 11:49 GMT+7

VTV.vn - Một trận bão quét qua Địa Trung Hải gây lũ lụt, đã khiến cả thành phố ở quốc gia Bắc Phi Libya gần như biến mất. Đó là bão Daniel – cơn bão gây chết chóc nhất toàn cầu.

Hiện, theo số liệu được Liên Hợp Quốc và WHO công bố, gần 4.000 người thiệt mạng vì trận lụt do bão Daniel, trong khi hơn 9.000 người vẫn mất tích. Đây được coi là trận lũ lụt với hậu quả nghiêm trọng nhất lịch sử châu Phi.

Theo các phân tích, thảm họa lần này tại Libya có rất nhiều yếu tố cộng lại để gây ra một thảm kịch như ngày hôm nay. Thứ Hai tuần trước, vào ngày 11/9, cơn sóng thần cao 7 mét ập vào thành phố cảng Derna, miền Đông Libya. Bão ập vào lúc 3 giờ sáng - giờ mà hơn 100 nghìn người dân thành phố đang say ngủ, không chút phòng bị. Ngay lập tức, hàng nghìn ngôi nhà, đường xá và hạ tầng bị cuốn sạch ra Địa Trung Hải, tới tận hôm nay (tức sau 10 ngày), bắt đầu có hàng trăm xác người dạt vào bờ biển.

Cơn sóng thần này được tạo ra bởi bão Daniel đã trút một lượng nước khổng lồ, làm vỡ 2 con đập đầu nguồn thành phố duyên hải Derna. Đây là bão siêu mạnh đã càn quét trước đó qua Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgari. Biến đổi khí hậu đang khiến những cơn bão như thế này nhiều hơn và mạnh hơn. Tuy nhiên, một nguyên nhân nữa không thể bỏ qua, đó là sự kém chuẩn bị và hạ tầng cơ sở ngăn lũ cực kỳ lỏng lẻo tại Libya.

Bão Daniel gây chết chóc nhất toàn cầu trong vòng 10 năm qua - Ảnh 1.

Thành phố cảng Derna rất dễ bị lũ lụt. Các hồ chứa đập nước ở đây đã gây ra ít nhất 5 trận lũ lụt chết người kể từ năm 1942. Hai con đập bị vỡ hôm thứ Hai được xây dựng cách đây khoảng 50 năm. Lần cuối cùng chúng được tu sửa là năm 2002 - tức là cách đây cũng hơn 20 năm rồi. Đáng nói là dường như ai cũng biết những con đập này không đạt yêu cầu. Một báo cáo của địa phương nhiều năm trước đã cảnh báo rằng, những con đập dễ gây ra lũ lụt nghiêm trọng nếu không được bảo trì thường xuyên. Nếu không, hệ quả sẽ rất thảm khốc.

Nguyên nhân cuối cùng được chỉ ra, đó chính là thiếu cảnh báo từ giới chức tới người dân địa phương. Theo CNN, nếu có một hệ thống cảnh báo khí tượng thủy văn và sơ tán được triển khai thì có lẽ thương vong đã không nhiều tới như vậy. Một hệ thống cảnh báo hiệu quả tới toàn dân có vẻ rất khó trong bối cảnh chính trị tại Libya đang rối ren.

Sự kiện tại Libya cho thấy ở giai đoạn mà khí hậu có nhiều biến đổi cực đoan như thế này, thảm họa là điều rất dễ xảy ra, nhưng lại không dễ đối phó hay chuẩn bị trước.

Người dân Libya đối mặt với vô vàn khó khăn

Đã hơn 10 ngày trôi qua kể từ khi Libya đối mặt với thảm họa lũ lụt lịch sử khiến hơn 10 nghìn người mất tích và thiệt mạng. Câu chuyện quốc tế ngày hôm nay không chỉ đưa ra cái nhìn toàn cảnh về thảm họa ở Libya, mà còn nói về thủ phạm chính gây ra những thảm họa thiên nhiên ngày càng dữ dội thời gian gần đây, đó là biến đổi khí hậu.

Bão Daniel gây chết chóc nhất toàn cầu trong vòng 10 năm qua - Ảnh 2.

Riêng bão Daniel gần đây nhất được cho là cơn bão chết chóc nhất hành tinh kể từ năm 2013, năm xảy ra bão Haiyan ở Philippines. Trước khi quét sạch cả một thành phố ở Libya thì nó đã gây lũ lụt khủng khiếp tại Hy Lạp với lượng mưa trong 24 giờ nhiều bằng lượng mưa của cả 18 tháng. Trước đó, ở Trung Quốc cũng trải qua 2 đợt bão lớn gây lũ lụt lịch sử. Rồi cháy rừng ở Hawaii. Có vẻ như các thảm họa tự nhiên đang ngày càng dày đặc và thất thường hơn. Sau những thảm họa như vậy, cuộc sống của người dân lại chồng chất khó khăn. Đó chính là cuộc sống người dân Libya ngay lúc này, thiếu điện, thiếu nước sạch, thiếu thuốc men.

Tiếp tục ở lại và đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, hay đi sơ tán lánh nạn và phải đối mặt với rủi ro từ các loại bom mìn, chất nổ trôi theo dòng nước lũ. Đó là tình cảnh của nhiều người sống sót sau thảm họa lũ lụt ở thành phố Derna phía Đông Libya. Lũ lụt đã làm hư hại khoảng 5.000 ngôi nhà và phá hủy mạng lưới cấp nước khiến người dân ở nhiều nơi bị thiếu nước sạch nghiêm trọng. 40% thành phố Derna không có điện sinh hoạt. Mạng lưới điện thoại cũng bị ngắt quãng. 150 người đã bị nhiễm độc do nước bị ô nhiễm ở các vùng lũ lụt.

Ông Ahmed Zouiten - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Libya nhận định: "Cần phải đưa thiết bị y tế, thuốc men và đội ngũ y tế đến một số vùng sâu vùng xa, bổ sung nhân lực cho các trạm y tế địa phương hoặc các phòng khám lưu động, tiếp cận càng nhiều người dân càng tốt".

Theo những gì đã diễn ra trong thực tế, giới chức địa phương tại Derna đã cảnh báo người dân về cơn bão sắp đổ bộ và ngày 9/9, họ cũng ra lệnh cho người dân sống tại khu vực duyên hải ở Derna đi sơ tán, do lo ngại nước biển dâng cao. Tuy nhiên, không có cảnh báo về nguy cơ vỡ đập và đây chính xác là những gì đã xảy đến vào rạng sáng 11/9 khi hầu hết người dân vẫn còn đang trong giấc ngủ.

Bão Daniel gây chết chóc nhất toàn cầu trong vòng 10 năm qua - Ảnh 3.

Trận động đất ở Marocco được tính bằng tích tắc nhưng lũ lụt ở Libya lại khác. Giới chức địa phương có hàng giờ đồng hồ để lường trước việc con đập cũ kỹ có thể bị vỡ. Một báo cáo của Cơ quan Kiểm toán quốc gia Libya công bố năm 2021 cho thấy, hai con đập này đã không được bảo trì, mặc dù chính phủ đã chi hơn 2 triệu USD cho mục đích này vào năm 2012 và 2013.

Công tác cứu trợ người dân Libya

Ngay lúc này, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đang hợp tác với chính quyền địa phương và các cơ quan viện trợ để cung cấp hỗ trợ cần thiết cho người dân thành phố Derna, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa lũ lụt. WHO cũng đã chuyển 28 tấn vật tư y tế tới hỗ trợ khu vực thảm họa, đồng thời tài trợ xe cứu thương và các bộ dụng cụ y tế. Trong khi đó, Cao ủy liên hợp quốc về người tị nạn cũng phân phối vật tư bao gồm chăn, bạt và đồ nấu ăn. Ngoài thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết được cộng đồng quốc tế viện trợ, Saudi Arabia và Ai Cập cũng gửi lực lượng cứu hộ để chung tay cứu trợ và tìm kiếm những người mất tích. Hiện 6 bệnh viện ở thành phố Derna đã khôi phục hoạt động.

Ứng phó với thảm họa từ biến đổi khí hậu

Chỉ từ đầu năm tới nay, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế ghi nhận 22 thảm hoạ tự nhiên trên toàn cầu, mỗi thảm họa gây tổn thất 1 tỷ USD. Còn cả năm 2022, tổ chức này thống kê được 354 thảm họa từ thiên nhiên. Nếu như 20 năm trước, các tổ chức cứu trợ quốc tế còn có thời gian dự phòng trước các tình huống mưa bão, hạn hán, nhưng vài năm trở lại đây, các thảm họa thiên nhiên diễn ra liên miên, khó lường và hậu quả ngày càng tàn khốc hơn. Và biến đổi khí hậu là nguyên nhân chủ yếu gây ra thực trạng này.

Bão Daniel gây chết chóc nhất toàn cầu trong vòng 10 năm qua - Ảnh 4.

Theo Reuters, biến đổi khí hậu đã gia tăng khả năng xảy ra thảm họa tại Libya lên gấp 50 lần. Các chuyên gia khí tượng nói rằng những cơn bão như Daniel là minh chứng cho việc biến đổi khí hậu có một vai trò quan trọng trong việc gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan.

Ông Kostas Lagouvardos - Giám đốc nghiên cứu, Đài quan sát Quốc gia Athens, Hy Lạp cho biết: "Sau cơn bão Daniel, chúng ta sẽ phải xem lại một lần nữa tất cả các chính sách về hệ thống cảnh báo sớm, để tập hợp các nhà khoa học, các lực lượng đáp ứng khẩn cấp nhằm bảo vệ người dân. Có như thế mới có thể chuẩn bị cho một sự kiện như thế này, hoặc thậm chí thảm khốc hơn trong tương lai".

Hội Chữ thập đỏ đang triển khai một chương trình ứng phó với thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra, trị giá lên tới 1 tỷ USD. Hội này cũng chỉ ra, cần phải thay đổi xu thế tụ tập sinh sống như hiện nay: bất động sản bờ biển và ven rừng được ưa chuộng. Trong khi đây toàn là những khu vực dễ tổn thương do thiên tai. Tại Mỹ, nhiệt độ cao hơn có thể dẫn đến cháy rừng lớn hơn ở các bang miền Tây. Trong khi đó, lượng mưa và bão ngày càng thất thường dễ gây ra lũ lụt ở bờ biển miền Đông.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hãng tin AP ước tính, cần một hệ thống báo động sớm cho những thảm họa tự nhiên do biến đổi khí hậu. Hệ thống này gồm công nghệ trí tuệ nhân tạo, vệ tinh, cảm biến từ xa và các công nghệ khác. Chi phí phải bỏ ra có thể lên tới 145 tỷ USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

bão Daniel

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước