Bán đảo Triều Tiên "nóng" nhất trong 70 năm qua

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 23/10/2024 12:04 GMT+7

VTV.vn - Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức "nóng" nhất trong 70 năm qua.

Leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Tình hình bán đảo Triền Tiên đã và đang trở thành tâm điểm được các nước trong khu vực và thế giới quan tâm trong suốt hai tuần qua. Chưa bao giờ Hàn Quốc, Triều Tiên kề cận xung đột vũ trang như trong những ngày vừa qua.

Ngày 17/10, Triều Tiên sửa đổi Hiến pháp, coi Hàn Quốc là "quốc gia thù địch". 1,4 triệu thanh niên Triều Tiên cũng đã nộp đơn xin gia nhập hoặc quay trở lại quân đội trong tuần vừa qua trong bối cảnh căng thẳng leo thang.

Trước đó, ngày 14/10, Triều Tiên cũng cho nổ tuyến đường liên Triều - chấm dứt mọi hợp tác kinh tế và hạ tầng với Hàn Quốc.

Bán đảo Triều Tiên nóng nhất trong 70 năm qua - Ảnh 1.

Triều Tiên cho nổ tuyến đường liên Triều, ngày 14/10 (Ảnh: AFP)

Trong khi đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc ra thông báo sẽ tiến hành cuộc tập trận Bảo vệ đất nước năm 2024 từ ngày 20/10 đến 8/11, với sự tham gia của lục quân, hải quân, không quân, thủy quân lục chiến và lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Trước đó, ngày 18/10, Hàn Quốc và Mỹ họp Hội nghị Ủy ban Quân sự để thảo luận về vai trò của Bộ Tư lệnh chiến lược mới thành lập hồi đầu tháng 10 và tái khẳng định quyết tâm về răn đe mở rộng.

Ông Koo Byoung-Sam - người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc – tuyên bố: "Những gì Triều Tiên đã làm, cho nổ các tuyến đường liên Triều, là một sự vi phạm rõ ràng đối với thỏa thuận liên Triều, và chúng tôi coi đó là một hành động rất bất thường. Chính phủ Hàn Quốc lên án mạnh mẽ hành động này".

Nguồn cơn của sự leo thang căng thẳng trong quan hệ 2 nước ở mức cao nhất 70 năm qua là việc Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc điều khiển các thiết bị bay không người lái mang truyền đơn hoạt động xâm phạm vùng trời Bình Nhưỡng vào ngày 3/10, 9/10 và 11/10.

Bán đảo Triều Tiên nóng nhất trong 70 năm qua - Ảnh 2.

Xác một máy bay không người lái được cho là của Hàn Quốc - rơi tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: AP)

TS. Hoo Chiew Ping - nghiên cứu viên cao cấp, đồng sáng lập Nhóm Nghiên cứu quan hệ quốc tế Đông Á (EAIR), Malaysia – nhận định: "Tôi nghĩ diễn biến hiện tại trên bán đảo Triều Tiên là sự gia tăng căng thẳng quân sự. Ngoài ra, đã có các cuộc xung đột về thông tin, về việc thả bóng bay, rải truyền đơn. Đó là một hình thức leo thang dần dần. Bây giờ, nó liên quan đến thiết bị bay không người lái, vấn đề được coi là rất nhạy cảm. Triều Tiên đã cảnh báo nếu Seoul điều các thiết bị bay không người lái, Bình Nhưỡng sẽ không ngần ngại đáp trả theo cách nặng nề nhất".

Ông Cheong Seong-Chang - chuyên gia Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Sejong – cho rằng: "Các nhóm thù địch với Triều Tiên ở Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục thả truyền đơn qua biên giới bằng bóng bay hoặc thiết bị không người lái dù Chính phủ có muốn hay không. Hành động này như một ngòi nổ, rất dễ dẫn đến các cuộc đụng độ vũ trang ở khu vực phi quân sự. Nếu Triều Tiên phản ứng bằng cách bắn hạ các vật thể này, đạn lạc rất có thể rơi vào lãnh thổ Hàn Quốc, buộc quân đội Hàn Quốc phải đáp trả. Chuỗi phản ứng này có thể leo thang nhanh chóng".

Đây không phải lần đầu quan hệ liên Triều rơi vào xoáy căng thẳng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc Triều Tiên coi Hàn Quốc là quốc gia thù địch đã xóa bỏ hoàn toàn hy vọng về một quá trình hòa giải và thống nhất 2 miền trong tương lai gần.

Nhìn lại căng thẳng liên Triều trong năm 2024

Trong gần 1 năm qua, quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên luôn ở tình trạng căng thẳng, với các động thái răn đe từ cả hai bên.

Về mặt quân sự, Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử vũ khí, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình mới, thể hiện các bước tiến trong lĩnh vực công nghệ quân sự, tăng cường khả năng răn đe.

Đáng chú ý, năm 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc vụ Triều Tiên Kim Jong Un cũng nhiều lần kêu gọi tăng cường năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ngày 19/1: Triều Tiên thử hệ thống vũ khí hạt nhân dưới nước Haeil-5-23

Ngày 24, 25/1: Triều Tiên phóng tên lửa hành trình chiến lược mới "Pulhwasal-3-31"

Ngày 30/1: Triều Tiên phóng tên lửa hành trình chiến lược Hwasal-2

Ngày 30/3: Triều Tiên thử nghiệm động cơ tên lửa siêu vượt âm

Ngày 2/7: Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo chiến thuật mới Hwasongpho-11

Về phần mình, Hàn Quốc tiếp tục tăng cường tiềm lực quân sự. Hàn Quốc đã trở thành 1 trong 10 quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và có mục tiêu nằm trong nhóm 4 nước xuất khẩu vũ khí mạnh nhất.

Hàn Quốc cũng đã lập một trung tâm nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các công nghệ quân sự tiên tiến vào tháng 4 vừa qua.

Trong năm qua, Hàn Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản nhằm tăng cường phô diễn sức mạnh quân sự, khả năng răn đe.

Trong khi đó, trên thực địa, 10 tháng qua, ít nhất 3 lần 2 bên cũng đã có những xung đột nhỏ dọc biên giới.

Ngày 17/1: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản tập trận hải quân chung

Ngày 4/3: Tập trận chung Lá chắn Tự do giữa Mỹ và Hàn Quốc

Ngày 27-29/6/2024: Cuộc tập trận 3 bên đầu tiên Freedom Edge giữa Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc

Ngày 23/7: Tập trận chung trên không Mỹ - Hàn Quốc

Ngày 19-29/8: Tập trận chung thường niên Lá chắn Tự do Ulchi giữa Mỹ và Hàn Quốc

Ngày 3/10: Tập trận Hải quân chung Mỹ - Hàn Quốc

Trên mặt trận truyền thông, và ngoại giao, từ đầu năm, Triều Tiên đã tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn các chính sách và cơ chế liên quan đến hòa giải với Hàn Quốc.

Hai bên cũng liên tiếp có các đụng độ về cuộc chiến tuyên truyền với việ thả các khinh khí cầu, rải truyền đơn...

Ngày 19/06/2024, Triều Tiên tăng cường hợp tác với Nga, hai bên đã ký Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, nhân chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Triều Tiên tháng 6/2024.

Trong Hiệp ước có một điều khoản nêu rõ "nếu một trong hai bên phải chịu một cuộc tấn công vũ trang của một hoặc một số quốc gia và thấy mình trong tình trạng chiến tranh, bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi cách có thể".

Trong khi đó, Hàn Quốc đã tăng cường hợp tác nhiều mặt với Mỹ, Nhật Bản, củng cố mối quan hệ 3 bên nhằm ứng phó với Triều Tiên, tiến hành các hoạt động thông tin tuyên truyền qua nhiều hình thức.

TS. Hoo Chiew Ping - nghiên cứu viên cao cấp, đồng sáng lập Nhóm Nghiên cứu quan hệ quốc tế Đông Á (EAIR), Malaysia – cho rằng: "Chủ tịch Quốc vụ Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố rằng không còn theo đuổi chiến lược thống nhất với Hàn Quốc nữa. Trong khi, Hàn Quốc thì thiếu một chính sách dài hạn về Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua. Chính vì thế, điều này đã dẫn đến việc rất khó có thể tạo ra một môi trường mà cả hai bên có thể tin tưởng lẫn nhau để nói về hòa bình, về đàm phán. Không chỉ là thống nhất, mà ngày cả vấn đề quan hệ bình thường cũng đang ngày càng trở nên khó khăn trong thời điểm hiện tại giữa hai nước".

Nhìn lại các hoạt động cả chính trị, ngoại giao, quân sự trên bán đảo Triều Tiên trong 1 năm qua, có thể thấy mỗi nước đều đã có những vị thế khác nhau trong đàm phán phi hạt nhân hóa.

Hàn Quốc đã thể hiện tăng cường sức mạnh quân sự, củng cố sức mạnh của mối quan hệ đồng minh với Mỹ, với Nhật Bản và của tam giác Mỹ- Nhật-Hàn cả từ ngoại giao, an ninh và quân sự.

Trong khi đó, Triều Tiên cũng không ngừng cho thấy khả năng răn đe hạt nhân cùng quan hệ mật thiết với Nga thông qua một loạt các chuyên thăm cấp cao giữa hai nước cùng các cam kết hỗ trợ lần nhau từ lãnh đạo hai bên.

Bán đảo Triều Tiên nóng nhất trong 70 năm qua - Ảnh 5.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một trung tâm vũ khí của nước này. Triều Tiên tuyên bố sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền bị xâm phạm. (Ảnh: KCNA)

Điều này đã tạo ra một thế giằng co giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Với những động thái làm leo thang căng thẳng với những toan tính khác nhau của mỗi bên, nên cả thế giới đều quan tâm là tình hình căng thẳng sẽ còn leo thang đến đâu, và liệu khả năng có bùng nổ xung đột vũ trang giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Vào năm 2020, Triều Tiên từng cho nổ một văn phòng liên lạc do Hàn Quốc xây dựng ở phía bắc biên giới chung để đáp trả việc Hàn Quốc rải truyền đơn qua biên giới. Tuy nhiên, bán đảo Triều Tiên vẫn tránh được kịch bản xung đột vũ trang.

Vì thế, cho đến lúc này, các nhà nghiên cứu về Đông Bắc Á cho rằng, tình hình sẽ tiếp tục ở thế giằng co với khả năng leo thang căng thẳng dọc biên giới, tuy nhiên, khó có khả năng xảy ra xung đột vũ trang quy mô lớn trên bán đảo Triều Tiên.

Nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên

Trang The Star dẫn nhận định của chuyên gia Robert Manning, Trung tâm Stimson, cho biết nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên ở cao nhất kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Trong những tuần tới, có khả năng Triều Tiên sẽ tăng mức độ khiêu khích. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết chỉ ra rằng chiến tranh sắp xảy ra. Thay vào đó, điều này có thể đại diện cho một mô hình chiến lược của chính sách "bên miệng hố chiến tranh"để giành đòn bẩy. Ngoài ra, bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn đóng vai trò quan trọng. Khi căng thẳng nước lớn gia tăng, bán đảo Triều Tiên bị kẹt trong thế cân bằng mong manh.

Cùng chung nhận định về việc gia tăng căng thẳng, tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng trích nhận định của các nhà phân tích cho rằng nguy cơ xảy ra xung đột dọc theo khu vực biên giới căng thẳng của hai bên đang gia tăng, mặc dù rất khó có khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành các cuộc tấn công toàn diện.

Bán đảo Triều Tiên nóng nhất trong 70 năm qua - Ảnh 6.

Hàn Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản nhằm tăng cường phô diễn sức mạnh quân sự, khả năng răn đe. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, hãng thông tấn Nga TASS trích đánh giá của chuyên gia Konstantin Asmolov cho biết: "Chiến tranh quy mô lớn trên bán đảo Triều Tiên là điều không thể xảy ra, nhưng leo thang sẽ tiếp tục. Theo chuyên gia này, cả Bình Nhưỡng chính thức lẫn Seoul chính thức đều không muốn chiến tranh".

Đây cũng là nhận định của chuyên gia Kim Sang-woo đăng trên trang DW. Chuyên gia này cho rằng Triều Tiên không muốn một cuộc chiến tranh song lo ngại một cuộc đụng độ vô tình có thể dẫn đến những hậu quả khó lường khác và dễ dàng leo thang thành một cuộc xung đột lớn.

TS. Hoo Chiew Ping - nghiên cứu viên cao cấp, đồng sáng lập Nhóm Nghiên cứu quan hệ quốc tế Đông Á (EAIR), Malaysia – cho rằng: "Tôi không nghĩ rằng sẽ xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Điều này là bởi vì, ngay cả khi có sự khiêu khích gần đây về máy bay không người lái thì Triều Tiên đã đề cập rằng không muốn phải dùng đến chiến tranh. Tôi nghĩ rằng đó là một thông điệp rất quan trọng. Vì vậy, nếu cả hai, nếu Hàn Quốc, Mỹ và các bên liên quan khác có thể tiếp nhận thông điệp đó và cố gắng kiềm chế các hành động quân sự thì tôi nghĩ rằng một cuộc chiến tranh toàn diện khó bùng nổ trên Bán đảo Triều Tiên vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ngay bây giờ thì vẫn có một mối lo ngại rằng Triều Tiên sẽ tiến hành thử hạt nhân, thử tên lửa đạn đạo hoặc các hình thức khiêu khích khác".

Nhìn lại toàn cảnh bán đảo Triều Tiên thời gian qua có thể thấy hai nước đã leo thang thang căng thẳng và đối đầu bởi mức độ tin cậy lẫn nhau nhất định vốn đã được gây dựng từ mấy năm trước nay không còn nữa.

Các nhà phân tích đánh giá rằng, các hành động trả đũa qua lại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cho thấy họ đang bị mắc kẹt trong một "trò chơi" đấu trí, khi cả hai bên đều không muốn nhượng bộ trước.

Trong một bối cảnh như vậy, bất kỳ một động thái kích động, một hành động khó kiểm soát sẽ dễ dẫn đến những hậu quả khó lường trên bán đảo Triều Tiên - vốn đã luôn căng thẳng trong suốt nhiều năm qua.

Triều Tiên bác tin triển khai quân tới Nga Triều Tiên bác tin triển khai quân tới Nga Người dân biên giới quan ngại căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc Người dân biên giới quan ngại căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc Hàn Quốc công bố hình ảnh vệ tinh chứng minh Triều Tiên triển khai quân đến Nga Hàn Quốc công bố hình ảnh vệ tinh chứng minh Triều Tiên triển khai quân đến Nga

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước