Một tòa nhà chung cư bị hư hại sau vụ pháo kích ở Stepanakert, Nagorno-Karabakh. (Ảnh: AP)
Khu vực trên nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đông người gốc Armenia và muốn sáp nhập vào nước này. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền dai dẳng giữa hai nước láng giềng.
Những người gốc Armenia ở Nagorny-Karabakh cho biết, Azerbaijan đã tấn công vùng lãnh thổ miền núi này bằng pháo kích, chiến đấu cơ và thiết bị bay không người lái. Vụ tấn công làm rung chuyển thị trấn Stepanakert vào rạng sáng cùng ngày và nhiều giờ sau đó. 25 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 5 dân thường, và 138 người bị thương. Hơn 7.000 người tại 16 ngôi làng đã phải sơ tán.
Các vụ pháo kích vẫn tiếp diễn. Vụ giao tranh mới nhất nổ ra chỉ vài giờ sau khi Azerbaijan thông báo, 4 cảnh sát và 2 dân thường đã thiệt mạng trong các vụ nổ mìn ở Nagorny-Karabakh.
Bộ Ngoại giao Armenia đã lên tiếng phản đối hành động quân sự của Azerbaijan.
Binh sỹ Armenia đứng gác ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh vào năm 2020. (Ảnh: AP)
Về phía Azerbaijan, Bộ Quốc phòng nước này nêu rõ: "Theo chiến dịch này, các cứ điểm ở khu vực tiền tuyến và các điểm khai hỏa của các đơn vị lực lượng vũ trang Armenia, cũng như các phương tiện chiến đấu và cơ sở quân sự, sẽ bị các loại vũ khí có độ chính xác cao vô hiệu hóa".
Phía Azerbaijan cũng đã thông báo hoạt động này với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước giám sát sứ mệnh gìn giữ hòa bình mong manh ở Nagorny-Karabakh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga xác nhận, Moscow tiếp nhận thông tin này chỉ ít phút trước khi chiến dịch quân sự trên bắt đầu. Liên quan vấn đề này, phía Nga bày tỏ "quan ngại", đồng thời kêu gọi các bên xung đột "ngay lập tức chấm dứt đổ máu, các hoạt động thù địch và gây thương vong cho dân thường."
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Moscow đang nỗ lực thúc đẩy để Azerbaijan - Armenia ngồi vào bàn đàm phán.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, lực lượng gìn giữ hòa bình của nước này, được triển khai tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh, đã sơ tán 469 dân thường đến địa điểm an toàn. Trong số những người được sơ tán, có 185 trẻ em. Moscow đã hỗ trợ y tế cho một số dân thường bị thương.
Cũng trong ngày 19/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani kêu gọi Azerbaijan và Armenia giải quyết tranh chấp, trong đó có những vấn đề liên quan đến quyền lợi và an ninh của công dân, thông qua đối thoại.
Quan chức này nhấn mạnh, Iran vẫn cam kết tham gia tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những bất đồng và sẵn sàng tổ chức hội nghị theo thể thức 3+3, bao gồm 3 quốc gia vùng Caucasus là Armenia, Azerbaijan và Gruzia cùng 3 nước láng giềng là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!