19 hội đồng địa phương trên khắp các lưu vực rạn san hô Great Barrier ở bang Queensland sẽ nhận được khoản tài trợ nhằm triển khai hàng loạt dự án bảo tồn và phục hồi rạn san hô lớn nhất thế giới này. Những dự án trên bao gồm các hoạt động cải thiện môi trường sống ven sông, lưu vực và vùng đất ngập nước, giảm tác động của các mối đe dọa như các loài hoang dã và giảm lượng khí thải carbon.
Trải dài khoảng 2.300 km dọc bờ biển phía Đông Bắc Australia, rạn san hô Great Barrier sở hữu hệ sinh thái độc đáo và được mệnh danh là cấu trúc sống lớn nhất thế giới. Great Barrier đang trải qua đợt tẩy trắng san hô tồi tệ nhất từng được ghi nhận và là đợt tẩy trắng hàng loạt lần thứ 5 trong vòng 8 năm qua.
Trước đó, vào tháng 4/2023, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Queensland (QUT) đã phát triển một loại robot dùng để đếm và chụp ảnh các loài san hô con được nuôi trong “bể ươm” phục vụ công tác bảo tồn rạn san hô Great Barrier của Australia.
Bức ảnh dưới nước được chụp vào ngày 5/4 cho thấy san hô bị tẩy trắng và chết xung quanh đảo Lizard trên rạn san hô Great Barrier. (Ảnh: AFP)
Việc phát triển robot nói trên là kết quả của Dự án Hệ thống Đánh giá sự phát triển của san hô bằng robot (CGRAS) do Viện Khoa học Hàng hải Australia (AIMS), Chương trình Phục hồi và thích ứng rạn san hô (RRAP) và Cơ sở nghiên cứu kỹ thuật của QUT phối hợp thực hiện.
Chính phủ Australia vào ngày 20/4/2023 đã công bố khoản tài trợ cho một chương trình mới nhằm nâng cao chất lượng nước tại rạn san hô Great Barrier. Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Nước Australia Tanya Pliberse cho biết chính phủ nước này sẽ chi 150 triệu AUD (100 triệu USD) cho việc phục hồi đất ở các lưu vực đang đẩy một lượng lớn trầm tích vào các con sông chảy vào rạn san hô mang tính biểu tượng này.
Các dự án được hỗ trợ sẽ gồm làm rào chắn, xây dựng nhiều công trình nhằm cải tạo bờ sông, trồng lại cây xanh và quản lý việc chăn thả gia súc. Ngoài việc cải thiện chất lượng nước ở rạn san hô, các dự án cũng sẽ khôi phục môi trường sống và cải thiện khả năng hấp thụ carbon.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!