Dịch COVID-19 đã tạo điều kiện cho xu hướng làm việc từ xa. Cũng có những ưu việt của xu hướng này, tuy nhiên giảm áp lực lao động thì vẫn chưa đáp ứng.
Anh Yuki Sato - nhân viên văn phòng bắt đầu làm việc từ xa từ năm ngoái. Ban đầu thì mọi thứ như một giấc mơ, được ở nhà, gần gũi các con, lại vừa làm được việc. "Cái hay là tôi tiết kiệm được nhiều thời gian, bình thường mất 2 tiếng đi tới cơ quan, nhưng giờ thì không. Tôi có thể lo liệu được mọi chuyện ở nhà nữa".
Nhưng rồi sau 1 năm dịch dã, thời gian trải nghiệm nhiều hơn, những người như anh Yuki Sato bắt đầu cảm thấy bất cập, đầu tiên đó là sự thiếu tương tác. "Không thể có mặt ở cơ quan để phối hợp làm việc cũng là một chuyện. Chuyện nữa, chúng tôi nhiều khi được đánh giá năng suất cả bằng thái độ làm việc trực tiếp ở công sở. Làm việc từ xa thế này thì không biết là ai đang làm ai không".
Chính thời gian không phải di chuyển từ nhà tới cơ quan giờ đây lại trở thành giờ làm việc luôn. Ngồi cạnh máy tính là phải làm việc, ranh giới giữa giờ làm và giờ giải lao nhiều lúc không còn.
Anh Takahiro Ohno - Công ty Fujitsu, Nhật Bản nói: "Thời gian đi tới công sở đôi khi lại như khoảng đệm, chia cắt lúc làm và lúc nghỉ. Giờ lúc nào cũng ở nhà, lúc nào cũng làm, không để ý thì công việc tự nhiên cứ kéo dài ra".
Theo chia sẻ của nhiều nhân viên văn phòng Nhật Bản, giờ họp trực tuyến bằng các ứng dụng như Zoom rất tiện, nên bỗng nhiên những cuộc họp cũng nhiều hơn. Khảo sát của Công ty Fujitsu cho thấy có quá nửa nhân viên không thích làm làm việc hoàn toàn tại nhà.
Ông Manabu Morikawa - Phó Giám đốc Nhân sự, Công ty Fujitsu, Nhật Bản cho biết: "55% nhân viên thích kết hợp cả làm việc trực tuyến và tới công sở. Tôi cũng rất bất ngờ vì chúng tôi cứ nghĩ toàn bộ nhân viên sẽ thích được làm ở nhà".
Không chỉ ở Nhật Bản, nghiên cứu của Đại học Harvard trên 3 triệu người của 16 thành phố trên thế giới cho thấy, trung bình một ngày làm việc của người lao động bị kéo dài gần 50 phút, sau khi bắt đầu giãn cách, làm việc từ xa.
Để bảo vệ người lao động, nhiều chính phủ, tập đoàn đang thử nghiệm những chương trình khác nhau. Microsoft Nhật Bản thì có tuần làm việc 4 ngày, tương tự đó là Unilever thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày ở Anh, New Zealand. Chính phủ Tây Ban Nha thì có tuần làm việc 32 tiếng... Tất cả các chương trình thử nghiệm chỉ ở quy mô nhỏ, khoảng 10 nghìn người, nhưng đều cho thấy năng suất được cải thiện.
Xu hướng này sẽ càng ngày càng phổ biến hơn, một khi mà người tuyển dụng nhận ra là đích đến cuối cùng là hiệu quả công việc, chứ kéo dài giờ làm cũng không tác dụng gì.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!