Anh “bất tuân thủ” EU nhằm đạt được thoả thuận thương mại riêng với Mỹ hậu Brexit

Diệu Linh-Thứ tư, ngày 09/12/2020 17:40 GMT+7

VTV.vn - Anh đã bất chấp quyết định chung của EU, ngừng áp thuế với Mỹ vì London còn “bận” theo đuổi một thoả thuận thương mại riêng với Washington hậu Brexit.

Anh đang đặt điều gì lên bàn cân?

Chính phủ Anh đã "bất tuân thủ" Liên minh châu Âu EU bằng việc tiết lộ kế hoạch tạm hoãn việc áp thuế lên hàng hoá Mỹ - một động thái chung của các nước thuộc EU như một đòn trừng phạt liên quan đến tranh chấp giữa Boeing và Airbus. Động thái này của xứ sở sương mù nhằm "mở đường" cho một thoả thuận thương mại hậu Brexit với Washington, trong bối cảnh những cuộc đàm phán giữa Anh và EU về Brexit không mấy tiến triển mà thời gian đến hạn (ngày 31/12/2020) không còn nhiều.

Mâu thuẫn dai dẳng giữa EU và Mỹ

Hồi tháng trước, EU đã áp thuế 4 tỷ USD lên hàng hoá của Mỹ, tương đương mức thuế lên tới 25% để trả đũa việc Chính phủ Mỹ trợ cấp bất hợp pháp cho hãng sản xuất máy bay "con cưng" Boeing. Đây là động thái mới nhất trong cuộc chiến kéo dài 16 năm về trợ cấp – một trong những tranh chấp thương mại kéo dài nhất trong lịch sử.

Anh “bất tuân thủ” EU nhằm đạt được thoả thuận thương mại riêng với Mỹ hậu Brexit - Ảnh 1.

EU đánh thuế 25% lên hàng hoá Mỹ để "trả đũa" trợ cấp của Chính phủ Mỹ cho Boeing

Vậy nên tuyên bố từ Bộ trưởng Thương mại Vương quốc Anh, Liz Truss được xem là một nỗ lực khôn ngoan nhằm gây thiện cảm với Tổng thống sắp tới của Mỹ, ông Joe Biden. Bà Truss cho biết Anh muốn "đi đến một thỏa thuận thương lượng để có thể phát triển sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại với Mỹ."

Đàm phán Anh và EU vẫn bế tắc

Trong khi đó, đàm phán liên tục bế tắc khiến EU phải "lên kịch bản" cho một Brexit không thoả thuận chung.Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho biết EU đang đẩy nhanh việc lập kế hoạch cho một Brexit không thỏa thuận vào cuối năm nay sau khi các cuộc đàm phán giữa hai bên đạt được ít tiến triển.

Trước đó, mặc dù cam kết sẽ thúc đẩy các cuộc hội đàm với EU, Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã từ chối rút lại kế hoạch phá vỡ thỏa thuận Brexit với EU, đưa tiến trình Brexit vào một cuộc khủng hoảng mới.

Ngày 9/9, Chính phủ Anh công bố Dự luật thị trường nội địa Anh chi phối các dàn xếp thương mại trong nước thời kỳ hậu Brexit, đồng thời thẳng thắn thừa nhận dự luật gây tranh cãi này vi phạm Thỏa thuận Rút lui mà nước Anh đã ký với EU cách đây 9 tháng. Dự luật mới của Anh sẽ cho các bộ trưởng quyền đơn phương điều phối thương mại trong phạm vi Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, một khi luật của EU hết hiệu lực sau giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit.

Tuy nhiên, theo thỏa thuận Brexit, Anh phải trao đổi với EU về những quyết định đối với Bắc Ireland, vùng duy nhất của Anh có biên giới trên đất liền với EU. Dự luật mới của Anh nói trên sẽ làm phức tạp thêm tiến trình Brexitvà Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic đã tới London để làm rõ vấn đề. Ông Sefcovic khẳng định trừ phi nội dung này được rút lại vào cuối tháng, EU sẽ cân nhắc hành động pháp lý nhằm vào Anh.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết Nghị viện châu Âu sẽ không thông qua bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào giữa EU và Vương quốc Anh, trừ khi London thực thi đầy đủ thỏa thuận "ly hôn" trước đó đạt được với khối này.

Nước cờ hoãn thuế liệu có làm mất luôn cả khả năng đánh thuế?

Cũng dễ hiểu khi Anh chọn nươc đi "dĩ hoà vi quý" trước mắt với Mỹ khi vẫn đang bế tắc với EU. Thế nhưng phía EU cũng khẳng định, Anh sẽ mất luôn quyền áp thuế quan trừng phạt lên Mỹ kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021 do nguyên đơn duy nhất trong vụ kiện lên WTO đối với Boeing là EU, mà Anh kể từ sau 31/12/2020 đã là một thành viên rời EU.

Các quan chức EU cũng chỉ ra một điều nghịch lý là bất chấp những nới lỏng căng thẳng từ Anh, Mỹ có thể vẫn tiếp tục hành động chống lại Anh vì Washington khởi động vụ Airbus vốn không chỉ chống lại EU mà đặc biệt chống lại Tây Ban Nha, Anh, Đức và Pháp.

Và bất chấp nhượng bộ về thuế quan, Vương quốc Anh có thể phải đối mặt với một cuộc đấu tranh để có được sự đồng thuận từ Chính quyền Biden cho bất cứ thoả thuận thương mại tiềm năng nào. Trong khi đó, Chính quyền mới của Mỹ tỏ ra không hề vội vã. Hồi tuần trước, ông Biden cho biết ông không vội vàng đạt được các thoả thuận thương mại mới.

Bởi vậy vẫn chưa biết quyết định bảo lưu quyền đánh thuế của Anh là một lựa chọn lời hay thiệt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước