Đây được xem là phương phát giúp chẩn đoán căn bệnh này sớm hơn và nhanh hơn.
Khoảng 5.000 tình nguyện viên sẽ tham gia vào dự án nghiên cứu kéo dài 5 năm được thực hiện bởi các nhóm tại Đại học Oxford và Đại học College London.
Các nhà nghiên cứu cho biết xét nghiệm máu đơn giản có thể giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer nhanh hơn và có độ chính xác ngang với các phương pháp quét não hoặc chọc dò tủy sống hiện nay.
Vào năm 2022, chứng mất trí nhớ đã cướp đi sinh mạng của 66.000 người ở Anh và xứ Wales và hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Anh, trong đó bệnh Alzheimer chiếm 2/3 số trường hợp.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học York đang sử dụng công nghệ dựa trên ánh sáng để phát triển phương pháp xét nghiệm máu đơn giản và tiết kiệm chi phí cho bệnh Alzheimer.
Công nghệ cảm biến hoạt động bằng cách phát hiện mức độ protein liên quan đến bệnh Alzheimer trong máu đã được cấp bằng sáng chế bởi công ty Phorest Diagnostics của trường Đại học York (Canada).
Nhóm nghiên cứu hiện đang nỗ lực tích hợp công nghệ này vào một thiết bị cầm tay, có thể chẩn đoán bệnh trong vòng vài giây thông qua xét nghiệm chích máu trên ngón tay một cách đơn giản.
Phương pháp này rẻ hơn, chính xác hơn và ít xâm lấn hơn so với quét não hoặc chọc dò tủy sống. Các nhà khoa học cho biết thiết bị mà họ đang phát triển có thể cách mạng hóa việc chẩn đoán bệnh Alzheimer. Phương pháp cũng có thể cho phép chẩn đoán bệnh 15 - 20 năm trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh Alzheimer.
Tiến sĩ Steven Quinn từ Trường Vật lý, Kỹ thuật và Công nghệ của Đại học York đang thực hiện dự án này - được tài trợ bởi Hiệp hội Alzheimer và Nghiên cứu Alzheimer Vương quốc Anh, hợp tác với Giáo sư Thomas Krauss.
Tiến sĩ Quinn cho biết: "Mặc dù dự án của chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn đầu nhưng công nghệ dựa trên ánh sáng của chúng tôi có tiềm năng được sử dụng để chẩn đoán nhanh bệnh Alzheimer mà không cần các thủ tục xâm lấn và tốn kém. Nó cũng có thể được sử dụng để cải thiện việc theo dõi những bệnh nhân đã được điều trị căn bệnh này vì nó sẽ đủ nhạy để xác định những thay đổi về mức độ của các protein cụ thể đóng vai trò là chỉ số của bệnh Alzheimer trong máu".
Công nghệ này phát hiện các protein amyloid và tau - là những dấu ấn sinh học cho những thay đổi trong não liên quan đến bệnh Alzheimer, hoạt động bằng cách chiếu các chùm ánh sáng lên bề mặt cảm biến được phủ hóa chất. Những hóa chất này hoạt động như một tấm lưới để "bắt" các protein có trong máu. Sau đó, thiết bị sẽ đo lường những thay đổi về đặc tính của ánh sáng để cho biết khi nào có protein độc hại.
Tiến sĩ Quinn cho biết thêm: "Nồng độ của các protein này trong máu của người mắc bệnh Alzheimer rất thấp, vì vậy bạn cần một thiết bị cực kỳ nhạy cảm để có thể phát hiện ra chúng. Cảm biến cho phép phát hiện nhiều loại protein và có thể xem xét mức độ phong phú tổng thể của chúng trong máu cũng như tỷ lệ giữa chúng."
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!