An ninh trên bán đảo Triều Tiên: Các bên liên tiếp có các hành động đáp trả lẫn nhau

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 29/09/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đã rơi vào bế tắc mấy năm qua và tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên liên tục rơi vào vòng luẩn quẩn của căng thẳng và đối đầu.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sau khi cả Triều Tiên và Hàn Quốc cùng đồng minh Mỹ và Nhật Bản liên tiếp có các hành động răn đe đáp trả lẫn nhau. Mới đây nhất là việc Quốc hội Triều Tiên đã nhất trí điều chỉnh hiến pháp nhằm bổ sung chính sách xây dựng lực lượng hạt nhân. Chủ tịch Quốc vụ Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, sẽ đẩy nhanh sản xuất vũ khí nguyên tử.

Hội đồng Nhân dân Tối cao (tức Quốc hội) Triều Tiên đã nhất trí thông qua chương trình nghị sự trọng yếu nhằm xây dựng chính sách về lực lượng hạt nhân là luật cơ bản của nhà nước. Phát biểu trước Quốc hội, ông Kim Jong-un cho biết, điều quan trọng là phải đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân để giữ vững lợi thế răn đe chiến lược.

Theo ông, để đảm bảo quyền tồn tại và phát triển của đất nước và ngăn chặn chiến tranh cũng như bảo vệ hòa bình khu vực và toàn cầu, Triều Tiên cần phát triển nhanh chóng vũ khí hạt nhân lên trình độ cao hơn. Ông Kim Jong-un cũng cho rằng, hợp tác an ninh ba bên Hàn - Mỹ - Nhật đặt ra mối đe dọa thực sự nghiêm trọng. Ông đánh giá, liên minh quân sự của ba nước này là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng leo thang ở khu vực.

Trước đó, hôm thứ ba vừa qua, Hàn Quốc đã tổ chức cuộc duyệt binh lớn nhất 10 năm qua, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng không sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu không sẽ đối mặt với phản ứng mạnh mẽ từ phía Seoul và Washington.

An ninh trên bán đảo Triều Tiên: Các bên liên tiếp có các hành động đáp trả lẫn nhau - Ảnh 1.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố, quân đội Hàn Quốc sẽ đáp trả ngay lập tức dựa trên khả năng chiến đấu thực tế nếu Triều Tiên có hành động khiêu khích. Ông Yoon cũng cho biết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản dựa trên mối quan hệ liên minh bền chặt giữa Hàn Quốc và Mỹ, nhằm thiết lập một thế trận an ninh vững chắc.

Động thái điều chỉnh hiến pháp của Triều Tiên được thực hiện một năm sau khi nước này thông qua luật cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu, tuyên bố Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân "không thể đảo ngược".

Năng lực hạt nhân của Triều Tiên hiện nay ra sao?

Cũng trong Kỳ họp lần thứ 9 Hội đồng Nhân dân Tối cao khóa XIV vừa qua, Chủ tịch Quốc vụ Triều Tiên Kim Jong-un đã khẳng định sức mạnh chiến lược và khả năng răn đe hạt nhân của nước này đã và đang được củng cố thường xuyên để mạnh mẽ hơn nhiều sau những thập kỉ qua.

Triều Tiên gần đây cũng đã ghi nhận những bước tiến trong việc phát triển các phương tiện tấn công chiến lược. Tháng ba năm nay, Triều Tiên bất ngờ công bố về mẫu đầu đạn hạt nhân chiến thuật mới có tên Hwasan-31 do nước này phát triển, với kích thước nhỏ hơn nhiều so với các thiết kế trước đây. Các chuyên gia quân sự đều nhận định đây là bước tiến đáng kể đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, bởi giờ đây Triều Tiên hoàn toàn có thể thực hiện mục tiêu răn đe hạt nhân thông qua nhiều hệ thống vũ khí khác. Đầu đạn thu nhỏ có thể gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hay bất cứ hệ thống tên lửa nào mà nước này muốn.

Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm hàng chục tên lửa đạn đạo trong vòng một năm rưỡi qua. Phía Mỹ lâu nay đã cảnh báo về khả năng Triều Tiên sắp tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân thứ 7 trong lịch sử kể từ khi Bình Nhưỡng đã rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 2003.

An ninh trên bán đảo Triều Tiên: Các bên liên tiếp có các hành động đáp trả lẫn nhau - Ảnh 2.

Vụ thử gần nhất được thực hiện vào tháng 9/2017 có sức công phá khoảng 100 kiloton, gấp khoảng 5 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản năm 1945.

Năm 2018, Triều Tiên vô hiệu hóa bãi thử Punggye-ri để thể hiện thiện chí sẵn sàng phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Moon Jae-in vào tháng 4/2018 đã không đạt được thỏa thuận nào.

Trong một báo cáo vào tháng 7/2020, Lầu Năm Góc của Mỹ nhận định Triều Tiên đang sở hữu khoảng 20-60 vũ khí hạt nhân và có thể sản xuất thêm 6 đơn vị mới mỗi năm. Tuy nhiên, Triều Tiên không sở hữu lực lượng không quân tác chiến tầm xa. Ở thời điểm hiện tại, Triều Tiên đã gần như đạt được các mục tiêu kỹ thuật về việc thực hiện một cuộc tấn công răn đe hạt nhân chiến lược với các tên lửa Hwasong-15 có tầm bắn hơn 13.000 km và Hwasong-17 với tầm bắn hơn 15.000 km đủ sức bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ.

Việc phát triển vũ khí hạt nhân lâu nay vẫn luôn là mối đe dọa toàn cầu. Nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng nằm trong mục tiêu chung hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Nhưng mục tiêu này vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi thiếu vắng cam kết từ chính các cường quốc hạt nhân và chính sách răn đe hạt nhân vẫn được nhiều quốc gia áp dụng.

An ninh trên bán đảo Triều Tiên: Các bên liên tiếp có các hành động đáp trả lẫn nhau - Ảnh 3.

Ông Rafael Grossi - Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA): "IAEA vẫn tiếp tục giám sát chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Chúng tôi đã quan sát các hoạt động tại một số địa điểm có thể cho thấy việc Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân bất hợp pháp, vi phạm rõ ràng nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tình hình và hy vọng có thể nối lại việc thảo luận với Triều Tiên".

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: "Tôi kêu gọi các quốc gia có vũ khí hạt nhân thực hiện nghĩa vụ giải trừ quân bị và cam kết không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ trường hợp nào. Thứ hai, chúng ta cần củng cố và tái cam kết thực hiện chế độ giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân được xây dựng trong nhiều thập kỷ. Điều này bao gồm các hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân và cấm vũ khí hạt nhân, nó cũng bao gồm hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện. Mặc dù chưa có hiệu lực nhưng hiệp ước này vẫn là một minh chứng mạnh mẽ cho ý chí của nhân loại trong việc xóa bỏ nguy cơ hủy diệt từ hạt nhân, một lần và mãi mãi.

Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đã rơi vào bế tắc mấy năm qua và tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên liên tục rơi vào vòng luẩn quẩn của căng thẳng và đối đầu. Cộng đồng thế giới tiếp tục kêu gọi các bên sớm trở lại bàn đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp, nhằm tìm cách giải quyết vấn đề.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước