Huawei nằm trong số 7 công ty Trung Quốc bị Ấn Độ theo dõi. (Ảnh: AP)
Chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này đang theo dõi 7 công ty của Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có các khoản đầu tư vào cả hai nước này.
Các công ty nói trên gồm Alibaba, Tencent, Huawei, Xindia Steels Ltd. (được coi là một trong những liên doanh lớn nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc), Tập đoàn quốc tế Xinxing Cathay (đã thành lập một cơ sở sản xuất tại Chhattisgarh, Ấn Độ), Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc và SAIC Motor Corporation Limited.
Tuyên bố được đưa ra sau khi New Delhi cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc ở Ấn Độ. Báo cáo năm 2019 của Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung cho biết, theo chính sách hợp nhất quân - dân sự của Trung Quốc, các cơ chế được Chính phủ hậu thuẫn, bao gồm cả các quỹ đầu tư mạo hiểm, được sử dụng để tận dụng thành quả của đổi mới dân sự phục vụ cho lĩnh vực quân sự.
Có 7 công ty Trung Quốc đang bị Ấn Độ đưa vào "tầm ngắm". (Ảnh: The Economics Times)
Các nguồn tin nhấn mạnh, Alibaba, Baidu và Tencent là một phần của các dự án hợp nhất dân sự, quân sự và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc. Alibaba đã đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp tại Ấn Độ như PayTM, Zomato, Big basket, Snapdeal, Xpressbees. Trong khi đó, Tencent đầu tư lớn vào không gian công nghệ Ấn Độ, bao gồm 400 triệu USD cho hãng taxi Ola và 700 triệu USD cho trang thương mại điện tử Flipkart.
Trước đó, vào tháng 6/2020, Mỹ đã đưa ra một danh sách gồm 20 công ty mà quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!