Tập trận hải quân Malabar năm 2020. (Ảnh: AP)
Mục tiêu của cuộc tập trận là nhằm tăng cường khả năng phối hợp hoạt động ở mức cao giữa các lực lượng hải quân 4 nước trên, đồng thời thể hiện quyết tâm của các quốc gia trong nhóm ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do rộng mở.
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, giai đoạn này sẽ liên quan đến các hoạt động phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa Hải quân Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Cuộc tập trận hải quân cho thấy khả năng phối hợp hoạt động ở mức cao giữa các lực lượng hải quân 4 nước trên.
Cuộc tập trận hải quân Malabar 2020 diễn ra ở biển Arab. (Ảnh: AP)
Trước đó, giai đoạn đầu tiên của cuộc tập trận diễn ra từ ngày 3 - 6/11 tại vịnh Bengal, liên quan đến các chiến thuật tác chiến tiên tiến, bao gồm những bài tập phòng không và chống tàu ngầm, tập trung vào việc tăng cường khả năng tương tác. Giai đoạn thứ hai dự kiến diễn ra trong 4 ngày, bao gồm các hoạt động chung tập trung vào nhóm tác chiến tàu sân bay Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ và nhóm tấn công tàu sân bay Nimitz của Hải quân Mỹ.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nêu rõ, trong cuộc tập trận lần này, hai tàu sân bay cùng với tàu khác, tàu ngầm và máy bay của lực lượng hải quân các nước sẽ tham gia vào những hoạt động hải quân có cường độ cao. Bên cạnh đó, các nội dung diễn tập tác chiến trên mặt nước và chống tàu ngầm nâng cao, tập trận nhằm phát triển khả năng điều khiển tàu... sẽ được thực hiện để tăng cường khả năng tương tác và phối hợp giữa hải quân 4 nước.
Các nước tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar 2020 gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia. (Ảnh: AP)
Cuộc diễn tập sẽ bao gồm cả những hoạt động bay từ boong tàu và bài tập phòng không nâng cao của các máy bay chiến đấu thuộc Vikramaditya và Nimitz.
Đây là năm đầu tiên Hải quân Australia tham gia tập trận hải quân Malabar. Việc Ấn Độ mời Australia tham gia tập trận được cho là nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Cuộc tập trận Malabar đầu tiên được tiến hành từ năm 1992 giữa hai nước Ấn Độ và Mỹ. Đến năm 2015, có thêm Nhật Bản với tư cách thành viên thường trực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!