Ấn Độ dẫn đầu làn sóng di cư đến các nước có thu nhập cao

Quỳnh Chi (Theo RT)-Thứ sáu, ngày 27/10/2023 07:12 GMT+7

Người nhập cư Ấn Độ tuyên thệ trung thành với nước Mỹ tại buổi lễ nhập tịch vào ngày 22/1/2018 tại Newark, bang New Jersey. (Ảnh minh họa: Getty)

VTV.vn - Ấn Độ đứng đầu danh sách các quốc gia có số lượng người di cư lớn nhất đến các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có thu nhập cao.

Theo một báo cáo mới, năm 2021, có khoảng 407.000 công dân Ấn Độ di cư. Năm nay, quốc gia này lại dẫn đầu trong việc được nhận quyền công dân trong khu vực OECD, trong đó Mỹ, tiếp theo là Australia và Canada chiếm ưu thế.

Nghiên cứu có tiêu đề "Triển vọng di cư quốc tế 2023" được công bố hôm 23/10 tại Pháp cho thấy, Mỹ cấp hộ chiếu nhiều nhất cho người nhập cư Ấn Độ (56.000), tiếp theo là Australia (24.000) và Canada (21.000). Tổng cộng 133.000 người Ấn Độ đã được cấp quyền công dân tại một quốc gia OCED vào năm 2021.

OECD có 38 quốc gia thành viên, được thành lập vào năm 1961 nhằm thúc đẩy tiến bộ kinh tế và thương mại thế giới. Hầu hết các quốc gia này đều được coi là "giàu" và "phát triển", thu hút lao động và sinh viên nhập cư.

Theo nghiên cứu, Canada đã ghi nhận mức tăng đáng kể nhất trong việc cấp quyền công dân cho người nước ngoài, với mức tăng 174% từ năm 2021 đến năm 2022. Quốc gia Bắc Mỹ này đã tăng thêm kỷ lục 375.000 công dân mới trong năm 2022. Số lượng người nhập cư được cấp hộ chiếu Canada cao nhất vào năm 2022 đến từ Ấn Độ (60.000), tiếp theo là Philippines (42.000), Syria (20.000) và Pakistan (15.000).

Sự dịch chuyển ra nước ngoài thường mang lại thu nhập cao hơn cho người dân Ấn Độ. Báo cáo Phát triển Thế giới, được công bố vào tháng 4, cho thấy, mức tăng ước tính là 120% đối với những người Ấn Độ chuyển ra nước ngoài làm việc. Theo báo cáo, những người Ấn Độ có tay nghề thấp nhập cư vào Mỹ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, vì họ sẽ nhận thu nhập tăng vọt gần 500%, tiếp theo là nhập cư vào UAE, ở mức tăng gần 300%.

Báo cáo lưu ý: "Để tăng cường nỗ lực tích cực tuyển dụng lao động nhập cư, một số quốc gia thành viên OECD tiếp tục ký những thỏa thuận song phương và thúc đẩy quan hệ đối tác di cư và di chuyển với các quốc gia xuất xứ được chọn". Báo cáo cho biết thêm rằng Bồ Đào Nha, Đức và Áo gần đây đã ký kết các thỏa thuận về "di cư và di chuyển" với Ấn Độ. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Đức ký một hiệp định song phương như vậy.

Số lượng người nhập cư "thường trú" vào các nước OECD trong năm 2022 tăng thêm 26% so với năm trước đó. Số liệu sơ bộ cho năm 2023 cho thấy mức tăng cao hơn nữa. Báo cáo cho rằng với hơn 6 triệu người nhập cư thường trú mới, không bao gồm người tị nạn Ukraine, số người nhập cư vĩnh viễn đã đạt mức kỷ lục vào năm 2022. Di cư lao động tạm thời, đặc biệt là lao động theo mùa vụ, cũng ghi nhận mức "gia tăng mạnh mẽ".

Ấn Độ nổi lên là nguồn cung cấp sinh viên quốc tế lớn thứ hai ở các nước OECD. 424.000 sinh viên Ấn Độ đi du học nước ngoài vào năm 2021, vượt qua Trung Quốc, quốc gia có 885.000 du học sinh. Theo báo cáo, số lượng sinh viên đến từ Ấn Độ, Việt Nam và Nepal đã tăng gấp hơn hai lần từ năm 2014 đến năm 2021. Báo cáo tiết lộ thêm rằng người Ấn Độ chiếm số lượng sinh viên quốc tế lớn nhất ở Canada và Latvia.

Sinh viên nước ngoài và người nhập cư thúc đẩy dân số Canada tăng vọt vào năm 2023 Sinh viên nước ngoài và người nhập cư thúc đẩy dân số Canada tăng vọt vào năm 2023

VTV.vn - Cơ quan Thống kê Canada (Statscan) cho biết, số lượng người nhập cư và sinh viên nước ngoài tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến dân số Canada tăng vọt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước