Đến nay, hơn 258,8 triệu người trên toàn cầu đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 48,79 triệu ca mắc và gần 795.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 45.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Mỹ sẽ không hướng tới các biện pháp phong tỏa để khống chế dịch COVID-19 mặc dù dịch bệnh vẫn đang lây lan ở nước này. Điều phối viên chống dịch COVID-19 của Nhà Trắng khẳng định, Mỹ có đủ các công cụ để đẩy nhanh quá trình thoát khỏi đại dịch COVID-19, do đó Washington sẽ không triển khai biện pháp phong tỏa như trước đây. Mỹ vẫn sẽ duy trì lệnh bắt buộc đeo khẩu trang để phòng chống nguy cơ lây nhiễm tại các khu vực có nguy cơ cao theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Mỹ, mặc dù nhiều khu vực công cộng tại thủ đô Washington đã gỡ bỏ quy định này.
Số ca mắc mới COVID-19 trung bình trong 7 ngày qua tại Mỹ đã tăng 18%, lên hơn 92.000 ca/ngày. Hiện có khoảng 47 triệu người trưởng thành và 12 triệu thanh thiếu niên ở nước này trong diện đủ điều kiện tiêm chủng nhưng vẫn chưa tiêm chủng đầy đủ.
Hãng dược phẩm Pfizer công bố đã đồng ý với thỏa thuận trị giá 5,29 tỷ USD với Chính phủ Mỹ để cung cấp đủ thuốc điều trị COVID-19 cho khoảng 10 triệu người ở Mỹ. Điều đáng chú ý là Pfizer đã nhận được đơn hàng lớn trên khi các nhà chức trách y tế Mỹ còn chưa cấp phép cho loại thuốc này.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 23/11, nước này ghi nhận 7.579 ca mắc mới COVID-19, mức tăng thấp nhất trong 1,5 năm qua bất chấp các lễ hội lớn diễn trong những tuần gần đây. Hiện tổng cộng trên 34,5 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 466.000 trường hợp thiệt mạng tại quốc gia Nam Á này.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Ấn Độ giảm ngoạn mục nhờ vào việc nước này tăng cường tiêm vaccine COVID-19 và sử dụng kháng thể từ các trường hợp đã từng nhiễm bệnh.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 612.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tại Đức, quan điểm tiêm chủng bắt buộc đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ cả các nhà khoa học và chính giới nước này. Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố, không loại trừ khả năng Đức sẽ áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc trong tương lai. Trước đó, ngày 18/11, tại hội nghị bàn về giải pháp đối phó với làn sóng dịch thứ tư, Thủ tướng Angela Merkel và đại diện 16 bang đều nhất trí rằng, việc tiêm chủng bắt buộc cho nhân viên y tế nên được thực hiện và kêu gọi Chính phủ liên bang triển khai càng sớm càng tốt.
Ấn Độ ghi nhận số ca COVID-19 mới thấp nhất trong 543 ngày qua. (Ảnh: AP)
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 không ngừng gia tăng, tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày qua tại Đức là 386,5 ca mắc/100.000 dân, mức cao mới trong ngày thứ 15 liên tiếp. Tính đến ngày 21/11, tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng đầy đủ tại Đức là 68%. Giới chức y tế Đức kêu gọi, các địa điểm công cộng chỉ tiếp đón những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, hoặc mới bình phục sau khi mắc bệnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Đức hiện đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ tư và nhiều chợ Giáng sinh truyền thống của nước này đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, ở Berlin, một số chợ Giáng sinh nhỏ vẫn tiếp tục được mở cửa nhưng chỉ dành cho người đã tiêm chủng đầy đủ. Các chợ Giáng sinh được phép mở cửa ở Đức đều phải tuân thủ quy tắc 2G. Đó là chỉ cho phép người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh vào tham quan. Thẻ tiêm chủng được kiểm tra và quét tại lối vào chợ. Nhân viên cũng sẽ kiểm tra xem thẻ nhận dạng có khớp với thẻ tiêm chủng của khách vào chợ hay không.
Ngày 23/11, Đức ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với 52.685 trường hợp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Italy Roberto Speranza tuyên bố, người dân Italy có thể tiêm liều vaccine tăng cường phòng COVID-19 sau 5 tháng kể từ khi hoàn thành chu kỳ tiêm vaccine đầu tiên. Italy dự kiến sẽ thắt chặt các quy định về thẻ xanh từ tháng 12/2021, khi tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 và nhập viện tiếp tục tăng.
Hiện tại, toàn bộ các khu vực ở Italy vẫn được xếp là “vùng trắng” có nguy cơ lây nhiễm thấp nhất. Tuy nhiên, một số khu vực hiện đã gần đến ngưỡng mà họ có khả năng bị chuyển thành "vùng vàng" vào tuần tới; nếu tình hình tiếp tục xấu đi, có nguy cơ bị áp dụng các hạn chế đối với “vùng cam” sau 2 tuần nữa.
Israel đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine COVID -19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. 1,2 triệu trẻ em trong độ tuổi này sẽ tiêm vaccine của Pfizer. Việc tiêm phòng cho trẻ em được triển khai sau khi Israel nhận được lô hàng gồm hàng trăm nghìn liều vaccine của Pfizer vào ngày 21/11, chậm hơn một tuần so với kế hoạch ban đầu.
Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, đến tháng 11, trẻ em từ 5 đến 11 tuổi chiếm 1/3 số ca mắc mới COVID-19. Do đó, các quan chức y tế nước này tin rằng chỉ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng khi trẻ em được tiêm chủng đầy đủ. Trước đó, Israel cũng đã triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Thái Lan ngày 23/11 ghi nhận thêm 5.126 ca mắc mới và 53 người tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên trên 2 triệu trường hợp, trong đó có 20.487 bệnh nhân tử vong.
Quốc gia Đông Nam Á này sẽ nhận được 155,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay, vượt xa mục tiêu 100 triệu liều mà Chính phủ đặt ra vào tháng 4. Trong số này, 128,6 triệu liều là các vaccine của các hãng Sinovac, AstraZeneca và Pfizer do Chính phủ Thái Lan mua sắm, trong khi 27 triệu liều còn lại là do khu vực tư nhân mua, gồm các vaccine của Sinopharm và Moderna. Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã đặt mục tiêu mới phải đạt được trước cuối năm nay là 80% dân số được tiêm ít nhất một mũi và 70% dân số được tiêm đủ hai mũi.
Trung tâm Thông tin và Giáo dục Y tế, Bộ Y tế Lào cho biết, đã có 64,5% người trưởng thành tại nước này được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đây là một trong những bước chuẩn bị để Lào mở cửa trở lại đất nước trong thời gian tới. Theo thông báo, Lào hiện đang sử dụng 6 loại vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho người dân gồm vaccine Sputnik V, vaccine của các hãng Sinopharm, Sinovac, AstraZeneca, Pfizer và Johnson & Johnson. Lào cũng đã triển khai tiêm vaccine cho nhóm từ 12 - 17 tuổi nhằm sớm mở cửa trở lại các trường học trên cả nước sau một thời gian dài đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 3,6 triệu người tại Lào đã được tiêm mũi một vaccine ngừa COVID-19, chiếm hơn 50% dân số trưởng thành và hơn 3 triệu người đã tiêm đủ 2 liều, tương đương gần 42% dân số, trong đó thủ đô Vientiane có số người được tiêm vaccine cao nhất cả nước với tỷ lệ 90%.
Nhật Bản đang nghiên cứu yếu tố tự diệt của biến thể Delta. (Ảnh: AP)
Tại Nhật Bản, biến thể Delta từng là nguyên nhân chính khiến dịch COVID-19 trở nên nghiêm trọng. Trong cao điểm dịch hồi tháng 8, có đến hơn 90% số ca nhiễm là do biến thể Delta. Tuy nhiên, trong nhiều tuần gần đây, dịch COVID19 đã được kiểm soát tại nước này, từ mức hơn 25.000 ca/ngày hồi tháng 8 hiện chỉ còn khoảng 140 trường hợp nhiễm/ngày. Ngoài nguyên nhân tỷ lệ tiêm vaccine cao, ý thức đeo khẩu trang và tự phòng dịch tốt của người dân, một khả năng đang được nghiên cứu là yếu tố tự diệt của biến chủng này tại Nhật Bản.
Nghiên cứu của Viện Di truyền quốc gia Nhật Bản chỉ ra rằng, một nguyên nhân có vai trò quan trọng là việc biến chủng Delta ở Nhật có thể đã tự hủy diệt trong quá trình lây lan và đột biến. Theo nghiên cứu này, bộ gene của virus SARS-CoV-2 thay đổi với tốc độ khoảng 2 đột biến mỗi tháng. Những biến chủng Delta tại Nhật Bản tích lũy quá nhiều đột biến đối với protein mang nhiệm vụ sửa lỗi di truyền có tên NSP14. Kết quả là virus không kịp vá lỗi trong quá trình phân chia trong cơ thể người bệnh và dẫn đến tự diệt. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy, ngày càng nhiều người dân châu Á sở hữu enzyme phòng vệ có khả năng tấn công các virus RNA như virus SARS-CoV-2, trong khi đó, số người châu Âu sở hữu enzyme này ít hơn hẳn.
Nguy cơ khủng hoảng dân số tại Trung Quốc có chiều hướng trầm trọng hơn, khi đại dịch COVID-19 khiến tỉ lệ sinh nở của phụ nữ nước này giảm xuống mức thấp kỉ lục trong năm 2020. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận thấy rằng, đại dịch COVID-19 đã khiến phụ nữ dưới 30 tuổi tại nước này giảm nhu cầu sinh con. Các lý do được đưa ra bao gồm: thu nhập sụt giảm, chi phí sinh hoạt tăng lên, lo lắng sức khỏe không đảm bảo và không thể tiếp cận dịch vụ y tế.
Số lượng trẻ được sinh ra trong hai tháng cuối năm 2020 tại Trung Quốc đã giảm 45% so với thời điểm 5 năm trước đó, năm cuối cùng chính sách một con còn hiệu lực. Trong năm 2020, chỉ có hơn 12 triệu trẻ em được sinh ra tại Trung Quốc, giảm xuống ngưỡng thấp nhất trong gần sáu thập kỉ.
Tình trạng bùng phát COVID-19 ở Hàn Quốc đã chuyển từ "nguy cơ thấp" sang "nguy cơ cao". Đây là cảnh báo của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc. Theo cơ quan này, các giường chăm sóc đặc biệt ở khu vực thủ đô Seoul đã gần hết chỗ. Rất nhiều bệnh nhân phải chờ hơn 1 ngày để nhập viện, có người phải chờ tới 4 ngày hoặc lâu hơn. Hàn Quốc đang xem xét cắt giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân COVID-19 và tối đa hóa số giường bệnh, đồng thời tính đến khả năng tái áp đặt một số biện pháp giãn cách xã hội.
Kể từ khi nới lỏng các quy định giãn cách, Hàn Quốc coi số lượng người nhập viện và tử vong là yếu tố để đánh giá mức độ nghiêm trọng của đại dịch, thay vì cách đánh giá theo số ca nhiễm mới trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!