Máy tính xách tay được bày bán tại Vijay Sales, một phòng trưng bày điện tử ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 8/8. (Ảnh minh họa: Getty)
Việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu máy tính xách tay diễn ra sau khi New Delhi phải đối mặt với những lời chỉ trích về động thái hạn chế nhập khẩu máy tính xách tay hồi đầu năm nay, khi nước này hướng tới mục tiêu thúc đẩy sản xuất thiết bị điện tử trong nước.
"Ấn Độ sẽ không áp đặt các hạn chế đối với việc nhập khẩu máy tính xách tay", Bộ trưởng Bộ Thương mại Ấn Độ Sunil Barthwal phát biểu với giới báo chí ở New Delhi, đồng thời nói thêm rằng chính phủ "chỉ muốn các nhà nhập khẩu phải theo dõi chặt chẽ".
Vào ngày 3/8, Chính phủ Ấn Độ đã công bố chế độ cấp phép nhập khẩu để "đảm bảo hệ thống và phần cứng đáng tin cậy" được đưa vào Ấn Độ. Chế độ này sẽ áp đặt các hạn chế đối với máy tính xách tay, máy tính bảng, máy tính cá nhân và máy tính có kích thước siêu nhỏ.
Các chuyên gia coi động thái trên là một nỗ lực nhằm củng cố chương trình khuyến khích liên kết sản xuất của trong nước đối với phần cứng công nghệ thông tin. Chính phủ Ấn Độ đã công bố kế hoạch "Sản xuất tại Ấn Độ" trị giá 2 tỷ USD vào tháng 5, được nâng cấp từ sáng kiến trị giá 892 triệu USD vào năm 2021.
Các hạn chế được cho là sẽ giáng một đòn mạnh vào Trung Quốc khi nước này chiếm tới 75% lượng nhập khẩu công nghệ của Ấn Độ, trị giá 5,33 tỷ USD trong năm 2022 - 2023.
Tờ Economic Times cho biết, chế độ mới được công bố vào ngày 3/8, nhưng đã bị trì hoãn ba tháng sau sự phản đối của ngành công nghiệp và sự chỉ trích của Washington, vì nó sẽ ảnh hưởng đến các công ty như Dell, HP, Apple, Samsung và Lenovo.
New Delhi có kế hoạch mở rộng chương trình "Sản xuất tại Ấn Độ" bằng cách thu hút thêm nhiều "gã khổng lồ" công nghệ như Apple và Samsung để giúp nước này nổi lên như một trung tâm sản xuất điện tử. Với mục tiêu này, Ấn Độ đã hạn chế nhập khẩu nhiều loại ti vi màu, bao gồm cả màn hình LCD, vào năm 2020.
Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Ấn Độ chia sẻ tại quốc hội nước này vào năm 2022, những nỗ lực của New Delhi nhằm tạo động lực cho các thiết bị điện tử sản xuất trong nước dường như đã giảm 5% tỷ lệ hàng điện tử và công nghệ thông tin nhập khẩu (từ 69% trong năm 2019 - 2020 xuống còn 64% vào năm 2021 - 2022). Tuy nhiên, giá trị của hàng điện tử và linh kiện nhập khẩu đã tăng trong ba năm qua, lên tới 69 tỷ USD trong năm tài chính 2021 - 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!