Toàn cảnh thành phố Bamako, Mali. (Ảnh minh họa: Reuters)
Mali, quốc gia không giáp biển ở trung tâm Sahel, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh và chính trị tiếp diễn, đặc biệt là ở các khu vực miền Bắc và miền Trung đầy biến động, nơi cuộc nổi dậy vũ trang đã bùng phát từ năm 2012. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực hiếm khi xảy ra ở Bamako, ở khu vực Tây Nam, thủ đô và thành phố lớn nhất của Mali.
Vào tối 14/7, cách thủ đô Bamako khoảng 70 km (43 dặm), một cuộc tấn công đã xảy ra "tại trạm kiểm soát Zantiguila, trên đường tới thành phố trung tâm Segou", Bộ An ninh Mali cho biết vào tối 15/7.
Cuộc tấn công do "những cá nhân vũ trang chưa được xác định danh tính" thực hiện, khiến 3 dân thường và 3 nhân viên thực thi pháp luật thiệt mạng, đồng thời làm bị thương 2 người khác.
Vụ tấn công xảy ra gần Bamako, thủ đô và thành phố lớn nhất của Mali. (Ảnh: Aljazeera)
Giới chức Mali cho biết, trước đó, một đồn cảnh sát trên cùng con đường này đã bị phục kích bởi "các cá nhân vũ trang không xác định" vào ngày 24/6, khiến một sĩ quan tử vong.
Mali đã đấu tranh để ngăn chặn tình trạng bạo lực bắt nguồn từ cuộc đảo chính vào năm 2012 và từ đó lan rộng từ miền Bắc khô cằn của quốc gia Tây Phi này sang các nước láng giềng. Hàng nghìn người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải đi sơ tán trên khắp vùng Sahel. Bên cạnh đó, vấn nạn bạo lực ở nước này bắt nguồn từ số nhóm có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda và IS.
Mali, đất nước nghèo khó, một trong những quốc gia bất ổn về chính trị nhất ở châu Phi, đã chứng kiến hai cuộc đảo chính quân sự kể từ năm 2020. Bạo lực đã khiến hàng nghìn dân thường và binh lính thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải di dời trên khắp khu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!