Một con đường bị hư hại sau lũ quét và dung nham lạnh từ núi lửa ở huyện Tanah Datar, tỉnh Tây Sumatra, ngày 12/5 (Ảnh: AFP)
Các chuyên gia cho rằng những trường hợp thiệt mạng do dung nham lạnh và lũ quét từ trên núi Merapi của Indonesia có thể tránh được, đồng thời kêu gọi người dân sống trên sườn ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trên đảo Sumatra này chuẩn bị để ứng phó tốt hơn trước các thảm họa thiên nhiên.
Vào tối 11/5 (theo giờ địa phương), lũ lụt lớn đã cuốn trôi hàng tấn tro núi lửa tích tụ trên sườn núi xuống các thung lũng và sông ở bên dưới. Những dòng dung nham lạnh, nước và đất đá chảy xuống hướng về nhiều phía của ngọn núi lửa.
Lũ lụt đã ảnh hưởng đến gần như toàn bộ 20 con sông có thượng nguồn từ trên núi Merapi, mạnh đến mức đánh sập các cây cầu, cắt đứt đường sá và chôn vùi đất nông nghiệp cũng như các khu dân cư dưới lớp bùn dày và mảnh vụn.
Tính đến sáng 15/5, 58 người được xác nhận đã thiệt mạng và 35 người khác mất tích do lũ quét.
Các quan chức từ Trung tâm giảm nhẹ hiểm họa địa chất và núi lửa quốc gia Indonesia (PVMBG) đã cảnh báo người dân trong nhiều tháng qua rằng với quá nhiều vật liệu núi lửa tích tụ gần miệng núi lửa Merapi, cùng với lượng mưa lớn có thể dẫn đến lũ quét.
Cảnh báo trên đã được ban hành ngay sau ngày 3/12 - khi 23 người đi bộ đường dài thiệt mạng trong vụ nũi lửa Merapi phun trào. Những người leo núi đã phớt lờ cảnh báo của Chính phủ Indonesia là phải tránh xa miệng núi lửa ít nhất 2 km - vốn đã được áp dụng từ năm 2011 khi hoạt động núi lửa Merapi có dấu hiệu gia tăng.
Trung tâm giảm nhẹ hiểm họa địa chất và núi lửa quốc gia Indonesia cũng đã công bố bản đồ về các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi lũ quét.
Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) đã cảnh báo người dân rằng mưa lớn có thể đổ bộ vào các khu vực xung quanh núi lửa từ ngày 6/5 đến ngày 22/5.
Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo này, người dân vẫn không tránh xa bờ sông khi mưa đổ xuống núi lửa trong nhiều giờ vào ngày 11/5.
Người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) - ông Abdul Muhari - cho biết sự tích tụ quá mức tro núi lửa và nạn phá rừng trên núi Merapi cũng như dọc theo bờ sông cũng góp phần làm cho thảm họa trở nên nghiêm trọng hơn.
Ông Muhari lưu ý rằng bất chấp nguy cơ tiềm ẩn từ dung nham lạnh và lũ quét, các bờ sông gần núi lửa Marapi vẫn tiếp tục được phát triển thành nhà ở, khu dân cư, thương mại và giải trí.
Hàng trăm ngôi nhà cũng như trường học và nhà thờ Hồi giáo ở hai huyện Tanah Datar và Agam đã bị hư hại hoặc bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn do nước dâng bất ngờ. Lũ lụt cũng phá hủy các cây cầu và cắt đứt các tuyến đường lớn nối một số thành phố quan trọng của tỉnh Tây Sumatra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!