5 nước có lượng khí phát thải nhiều nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản và Mỹ đều có mặt trong hội nghị này. Đây cũng là diễn đàn tập hợp 17 nền kinh tế lớn, chiếm tới gần 80% lượng khí phát thải và GDP toàn cầu.
Các cuộc thảo luận tại sự kiện này sẽ cho thấy sự cấp thiết của việc giảm khí phát thải nhà kính ngay trong thập kỉ này, giúp các nước dễ bị tổn thương đối phó với những tác động không thể tránh khỏi của khí hậu, cách thức mang lại các cơ hội kinh tế và việc làm mới.
Để có thể đạt được những mục tiêu này, thế giới đang trông đợi vào "sự thay đổi cách tiếp cận" của tất cả các nước trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Việc chính quyền Tổng thống Joe Biden đứng ra chủ trì và mời các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh này đã cho thấy nỗ lực tái khẳng định vai trò dẫn đầu của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như mục tiêu thúc đẩy các nước hành động ngay lập tức.
Phát triển điện năng lượng mặt trời ở các đô thị giúp giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Báo Nhân dân
Mỹ công bố cam kết về cắt giảm khí thải chưa từng có
Tổng thống Mỹ JoeBiden đã công bố mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2030 sẽ cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải so với mức của năm 2005. Con số vượt xa mức cắt giảm 26% đến 28% mà chính quyền cựu Tổng thống Obama từng cam kết trước đó. Ngoài ra, Mỹ cũng cam kết tham gia nỗ lực giảm khí thải ngành vận tải biển toàn cầu. Mục tiêu đến năm 2050 đạt được trung hòa khí thải trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường biển.
Trước đó, ông Biden đã công bố một kế hoạch chi tiêu khổng lồ trị giá hơn 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu.
Những bất đồng chính trị giữa Mỹ và Nga, hay Mỹ - Trung Quốc liệu có ảnh hưởng đến kết quả hội nghị?
Kết quả hội nghị lần này phụ thuộc phần lớn vào quan điểm, thái độ của Mỹ và Trung Quốc. Đặc phái viên về Biến đổi khí hậu của Tổng thống Joe Biden, ông John Kerry vừa có chuyến thăm Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, Trung Quốc đã cam kết tăng cường hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Đây là lĩnh vực hiếm hoi mà hai nước có triển vọng hợp tác, nhưng yếu tố cạnh tranh vẫn không thể tránh khỏi. Hơn nữa, sau khi cân nhắc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đồng ý tham dự Hội nghị chỉ trước đó một ngày. Theo đó, nhiều khả năng các nước lớn sẽ gạt qua một bên các bất đồng và căng thẳng chính trị để đạt được sự đồng thuận chung tại hội nghị này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!