20% bệnh nhân COVID-19 nặng nhập viện có tổn thương thận, Philippines phát hiện ca nhiễm dòng phụ BA.5 của Omicron

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Chủ nhật, ngày 05/06/2022 06:21 GMT+7

Đến nay, hơn 534,93 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 5/6, thế giới có trên 534,93 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,31 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, Mỹ hiện ghi nhận trên 86,46 triệu ca mắc và hơn 1,033 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 11.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Nhà Trắng dự kiến chính thức bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi sớm nhất là vào ngày 21/6 nếu được cơ quan liên bang thông qua trong những tuần tới. Điều phối viên của Nhà Trắng về ứng phó COVID-19, ông Ashish Jha cho biết, Mỹ đã chuẩn bị đủ vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer và Moderna để bắt đầu chương trình tiêm cho trẻ nhỏ khi được cơ quan chức năng thông qua. Trong đó, chính quyền liên bang sẽ cung cấp 10 triệu liều vaccine cho các bang và địa phương để triển khai chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 5 tuổi.

Vaccine do hãng Novavax (Mỹ) đã được cấp phép sử dụng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, để ngừa bệnh COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh các chuyên gia đang cân nhắc việc sử dụng loại vaccine này tại Mỹ, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine của Novavax.

Một ủy ban độc lập đã được triệu tập theo yêu cầu của FDA nhằm đánh giá dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng của vaccine ngừa COVID-19 do Novavax sản xuất và đưa ra khuyến nghị về loại vaccine này. Ngày 3/6, FDA đã công bố một tài liệu phân tích những kết quả đánh giá, giống như cơ quan này đã thực hiện đối với 3 loại vaccine ngừa COVID-19 khác trước khi cấp phép sử dụng trong nước, trong đó đề cập nguy cơ viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine của Novavax.

Theo FDA, việc phát hiện nhiều trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine trong số 40.000 người tham gia thử nghiệm lâm sàng đã làm dấy lên lo ngại rằng nguy cơ viêm cơ tim từ việc tiêm vaccine của Novavax có thể cao hơn so với các rủi ro từ những loại vaccine khác như của Pfizer hoặc Moderna. Trước đó, các chuyên gia cũng đã xác định nguy cơ viêm cơ tim ở mức thấp sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer hoặc Moderna bào chế, đặc biệt là ở nam giới trẻ tuổi.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 4/6, nước này ghi nhận tổng cộng trên triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Ấn Độ đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Biological E làm mũi tiêm tăng cường cho những người đã tiêm liều cơ bản bằng các vaccine khác. Đây là lần đầu nước này cho phép tiêm kết hợp vaccine làm mũi tăng cường. Trong thông báo vào ngày 4/6, Biological E cho biết, Cơ quan Quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã cấp phép sử dụng vaccine Corbevax làm mũi tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên đã từng tiêm 2 mũi vaccine Covishield của AstraZeneca và Covaxin của Bharat Biotech.

Ấn Độ đã thực hiện hơn 1,87 tỷ mũi tiêm trong nỗ lực tiêm 2 mũi vaccine cho những người từ 12 tuổi trở lên.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

20% bệnh nhân COVID-19 nặng nhập viện có tổn thương thận, Philippines phát hiện ca nhiễm dòng phụ BA.5 của Omicron - Ảnh 1.

Brazil sẽ tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho những người trên 50 tuổi. (Ảnh: AP)

Bộ Y tế Brazil đã chấp thuận đề xuất tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư cho những người trên 50 tuổi nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa sự bùng phát trở lại của dịch bệnh. Theo thông báo của Bộ trưởng Bộ Y tế Brazil Marcelo Queiroga, mũi vaccine tăng cường thứ hai này sẽ được tiêm sau mũi tăng cường thứ nhất ít nhất là 4 tháng và các loại vaccine sẽ được áp dụng gồm Pfizer, Janssen hoặc AstraZeneca. Hồi giữa tháng 5, cơ quan chức năng y tế Brazil cũng đã thông qua việc áp dụng mũi vaccine thứ tư cho tất cả những người trên 60 tuổi.

Tình trạng khẩn cấp y tế do chính quyền liên bang Brazil ban bố sau khi dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm 2020 đã chính thức được tuyên bố kết thúc hôm 22/5 vừa qua. Tuy nhiên, chính quyền thành phố Sao Paulo đã khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang tại các điểm công cộng có không gian kín cho dù biện pháp này không bắt buộc.

Theo thống kê chính thức, đến nay đã có 77,4% dân số Brazil đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cơ bản gồm hai mũi.

Các nhà nghiên cứu Australia cho rằng, hàng triệu bệnh nhân COVID-19 trên thế giới có thể đã không được chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh về thận nguy hiểm chết người. Tổn thương thận nghiêm trọng (AKI) xảy ra khi cơ quan này bỗng dưng không lọc máu nữa, đôi khi dẫn tới cơ thể suy nhược hoặc thậm chí tử vong. Trường hợp này thường có nguyên nhân là các biến chứng của các bệnh nghiêm trọng khác.

Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Queensland cũng là chuyên gia về thận Marina Wainstein cho biết, các số liệu hiện có cho thấy, khoảng 20% bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải nhập viện đã có các tổn thương AKI và con số này là 40% đối với những người phải điều trị tích cực. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa PLOS ngày 3/6.

Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học Israel, thuốc kháng virus Paxlovid của hãng dược Pfizer giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19 ở những người từ 65 tuổi trở lên đã tiêm chủng cũng như chưa tiêm chủng phòng bệnh này. Nghiên cứu này được thực hiện trong khoảng thời gian biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây lan tại nước này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, thuốc Paxlovid giúp giảm 86% nguy cơ nhập viện đối với những người cao tuổi chưa có miễn dịch, tức là chưa tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc COVID-19. Thuốc cũng có tác dụng đối với những người đã có miễn dịch nhưng với tỷ lệ thấp hơn, chỉ khoảng 60%.

Bộ Y tế Philippines (DOH) cho biết đã phát hiện 2 ca nhiễm dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron gây bệnh COVID-19 tại nước này. Hai trường hợp này là thành viên trong cùng một gia đình tại một tỉnh ở phía Bắc thủ đô Manila.

Phát biểu họp báo trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines, bà Maria Rosario Vergeire, xác nhận đã phát hiện biến thể BA.5 vào ngày 15/5 vừa qua trong các mẫu bệnh phẩm của 2 trường hợp nói trên. Hai người này đều đã tiêm đủ liều cơ bản và mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19. Cả hai hiện sống ở vùng Luzon, miền Trung Philippines và không đi du lịch trước đó.

Ngoài BA.5, cho đến nay, Philippines cũng đã phát hiện hai dòng phụ khác của biến thể Omicron là BA.2.12.1 và BA.4.

20% bệnh nhân COVID-19 nặng nhập viện có tổn thương thận, Philippines phát hiện ca nhiễm dòng phụ BA.5 của Omicron - Ảnh 2.

Philippines đã ghi nhận 2 ca nhiễm dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron. (Ảnh: AP)

Một nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy, phụ nữ có nguy cơ bị phản ứng phụ như nổi phát ban cao hơn nam giới sau khi tiêm mũi đầu tiên vaccine phòng COVID-19 của hãng Moderna. Nghiên cứu trên có sự tham gia của 5.893 tình nguyện viên và được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 11/2021. Kết quả cho thấy, 22,4% số phụ nữ tham gia nghiên cứu có phản ứng trên da chậm sau khi tiêm mũi đầu tiên vaccine, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 5,1%. Theo báo cáo công bố ngày 1/6 trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, những người gặp phản ứng phụ có triệu chứng nhẹ và không được coi là chống chỉ định đối với vaccine công nghệ mRNA.

Theo tác giả nhóm nghiên cứu của Bệnh viện trung tâm Lực lượng Phòng vệ Tokyo, phản ứng da chậm xảy ra trong hoặc sau 6 ngày kể từ ngày tiêm và được ghi nhận là tác dụng phụ hiếm gặp ở Mỹ cũng như châu Âu. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, Nhật Bản ghi nhận tỷ lệ có phản ứng da chậm sau khi tiêm vaccine COVID-19 cao hơn, có thể do người dân tại đây có nhận thức cao hơn về triệu chứng này. Các nhà khoa học cũng cho rằng, nhiều khả năng tỷ lệ bị phát ban ở phụ nữ cao hơn là do sự khác biệt về trọng lượng cũng như các yếu tố nội tiết và môi trường.

Trung Quốc đã áp dụng các tiêu chí nghiêm ngặt hơn trong việc giám sát quá trình xét nghiệm axit nucleic để phát hiện COVID-19. Theo thông tư được Cơ quan điều phối phòng chống dịch COVID-19 thuộc Quốc vụ viện ban hành, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc được yêu cầu tiếp tục thực hiện các quy định liên quan về đánh giá năng lực của các cơ quan xét nghiệm, thắt chặt việc kiểm tra các cơ quan và nhân sự. Tài liệu này cũng nhấn mạnh cần tiêu chuẩn hóa việc quản lý công tác thu thập, bảo quản và vận chuyển mẫu xét nghiệm, bao gồm cả việc đào tạo nhân sự, đồng thời lưu ý sự cần thiết phải tăng cường giám sát thường xuyên để liên tục nâng cao chất lượng xét nghiệm.

Thông tư cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với việc giám sát hoạt động xét nghiệm axit nucleic quy mô lớn, các nguồn lực xét nghiệm axit nucleic và cơ chế dự phòng cho các tổ chức xét nghiệm.

Trung Quốc đã tuyên bố thành công trong việc kiểm soát đợt bùng phát dịch COVID-19 ở thành phố Thượng Hải khi ghi nhận ít ca mắc mới nhất trong hơn 3 tháng qua.

Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ngày 4/6 cho biết sẽ phân phối khoảng 100.000 bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh virus SARS-CoV-2 cho người dân một số khu vực nhằm truy vết các ca mắc COVID-19. Trước đó, nhà chức trách vẫn phát hiện virus SARS-CoV-2 trong mẫu nước thải của các khu vực này.

Các bộ xét nghiệm sẽ được phân phát cho cư dân, nhân viên vệ sinh và nhân viên quản lý bất động sản tại các khu vực Kwun Tong và Wong Tai Sin, những nơi kết quả xét nghiệm nước thải cho thấy có tải lượng virus cao. Chính quyền Hong Kong kêu gọi những người sử dụng bộ xét nghiệm nếu có kết quả dương tính cần nhanh chóng thông báo qua các nền tảng trực tuyến của cơ quan chức năng.

Nhằm đối phó với làn sóng dịch COVID-19 hiện nay, Cơ quan Bảo vệ môi trường và Dịch vụ thoát nước tại Hong Kong đã đẩy mạnh việc xét nghiệm mẫu nước thải tại tất cả các khu vực của đặc khu.

Về tình hình dịch COVID-19, trong ngày 4/6, Hong Kong ghi nhận 176 ca mắc mới COVID-19 được phát hiện qua xét nghiệm acid nucleic và 270 ca mắc là người tự báo cáo sau khi làm xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 2/3 dân số thế giới có thể đã có lượng kháng thể COVID-19 đáng kể, có nghĩa là đã từng mắc bệnh hoặc đã được tiêm chủng. Trong một bản tổng hợp các nghiên cứu từ khắp thế giới, WHO cho biết, tỷ lệ dân số có lượng kháng thể COVID-19 đáng kể đã tăng từ mức 16% vào tháng 2/2021 lên mức 67% vào tháng 10/2021. Với sự xuất hiện của biến thể Omicron có tốc độ lan truyền nhanh, tỷ lệ này hiện nay có thể thậm chí còn cao hơn.

Mặc dù vaccine chỉ có tác dụng phòng ngừa ở mức vừa phải đối với biến thể Omicron, WHO vẫn kêu gọi các quốc gia tăng tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bởi miễn dịch nhờ tiêm vaccine có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ bệnh chuyển nặng cao hơn so với miễn dịch có được sau lần mắc trước đó.

Nhà Trắng: Việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ nhỏ tại Mỹ có thể bắt đầu từ 21/6 Nhà Trắng: Việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ nhỏ tại Mỹ có thể bắt đầu từ 21/6 Pfizer xin cấp phép vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi Pfizer xin cấp phép vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi Tiêm vaccine trong thai kỳ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở trẻ sơ sinh Tiêm vaccine trong thai kỳ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở trẻ sơ sinh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước