12/9, lệnh cấm vận kinh tế Nga của EU chính thức có hiệu lực

Lê Hồng Quang-Thứ sáu, ngày 12/09/2014 18:20 GMT+7

Lãnh đạo một số nước châu Âu bày tỏ sự đồng thuận trong việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. (Ảnh: Reuters)

Lệnh trừng phạt kinh tế ở cấp độ cao nhất của Liên minh châu Âu nhằm vào Nga chính thức có hiệu lực từ sáng nay (12/9).

Chủ tịch Hội đồng châu Âu cùng đại sứ 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã công bố các biện pháp này từ hôm 8/9. Tuy nhiên, phải đợi đến trưa 11/9, sau khi kết thúc cuộc điện đàm tay tư giữa Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Italy, Hội đồng châu Âu mới công bố thời điểm cấm vận có hiệu lực.

Bà Maja Kocijancic, Người phát ngôn của Đại diện cấp cao về An ninh và Đối ngoại EU phát biểu: “Liên minh châu Âu quyết định siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt trên bốn lĩnh vực đã xác định từ tháng 7. Đó là ngăn chặn Nga tiếp cận thị trường vốn, quốc phòng, công nghệ nhạy cảm và thiết bị có thể sử dụng cho hai mục đích dân sự, quân sự. Chúng tôi cũng đã bổ sung vào danh sách những nhân vật có liên quan tới các nhóm ly khai ở miền Đông Ukraine, đặc biệt là ở vùng Donbass”.

Danh sách mà bà Maja Kocijancic nói tới gồm 24 người, bị cấm đặt chân tới châu Âu và bị phong toả mọi tài sản đang có trên lãnh thổ châu Âu. Như vậy, danh sách này nay đã gồm 119 cá nhân và 23 tổ chức.

Công dân và doanh nghiệp châu Âu bị cấm giao dịch với năm ngân hàng lớn của Nga. Các ngân hàng này do Chính phủ Nga sở hữu, bị cấm huy động vốn tại châu Âu. Sáu doanh nghiệp lớn về năng lượng và quốc phòng của Nga cũng chịu những hạn chế tương tự.

Lệnh cấm vận bao gồm cả các thiết bị và công nghệ mà Nga cần đến để khai thác dầu ở vùng biển sâu, thăm dò và khai thác dầu tại Bắc cực và khai thác khí đá phiến sét.

Tuy nhiên, Liên minh châu Âu cũng cho biết, nếu Nga thực sự tham gia lập lại hoà bình tại miền Đông Ukraine thì từng phần hoặc toàn bộ các biện pháp cấm vận có thể được dỡ bỏ ngay từ cuối tháng này. Chi tiết này cho thấy vẫn có những bất đồng trong nội bộ châu Âu, bất đồng giữa những nước chủ trương cứng rắn và những nước vẫn lo ngại rằng người Nga sẽ trả đũa, ở một mức độ cao hơn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước