Đây là cảnh báo của giới chức y tế Thái Lan trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang tăng cường các biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở mức báo động.
Các thành phố của Thái Lan thường xuyên có mặt trong danh sách những địa điểm có nồng độ bụi mịn PM 2.5 cao nhất nhất thế giới trong những tháng đầu năm nay.
Nguyên nhân là do nông dân đốt rơm rạ và khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động sản xuất công nghiệp và các phương tiện giao thông.
Bộ Công nghiệp Thái Lan cho biết hoạt động đốt lá mía sau thu hoạch cũng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí tại nước này, gây ảnh hưởng đến khoảng 44 triệu người trong khoảng 6 tháng mỗi năm.
Ô nhiễm ở Thái Lan ở mức gây nguy hại cho sức khỏe. (Ảnh: Bangladesh Post)
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Thái Lan, số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí tại nước này trong năm 2023 là 10,5 triệu người.
Kể từ đầu năm nay, con số này là khoảng 1,6 triệu người, với các căn bệnh như viêm phế quản mãn tính, ung thư phổi, hen suyễn và bệnh tim.
Những năm gần đây, không khí thủ đô Bangkok bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Năm 2019, Bangkok thậm chí đứng vị trí thứ 9 trong số 10 thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới, theo tổ chức Greenpeace Thái Lan lấy dữ liệu chỉ số chất lượng không khí của Mỹ.
Mới đây, Thái Lan hiện đã lên kế hoạch triển khai 30 máy bay tạo mây trên toàn quốc làm mưa nhân tạo để giúp chống ô nhiễm không khí và giảm khô hạn ở các khu vực trồng trọt chính. Bộ Nông nghiệp Thái Lan nhấn mạnh việc tạo mưa là cần thiết để giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu cũng như giúp giảm bớt các vấn đề ô nhiễm dai dẳng như khói bụi và bụi mịn PM2.5.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!