Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ tư châu Á hiện là một trong những quốc gia mà người lao động có số giờ làm việc nhiều nhất trong số các quốc gia phát triển. Tuy nhiên có một thực tế đáng nói là, hiện năng suất lao động của người lao động lại không hề tỷ lệ thuận với số giờ làm việc - tức là càng lao động nhiều, năng suất càng giảm.
Anh Deuk-Soo Lee hiện là chủ của một quán bar nhỏ ở thủ đô Seol. Mặc dù công việc kinh doanh không quá lớn nhưng mang lại cho anh sự tự do - điều mà sau nhiều năm làm việc công việc văn phòng vốn chỉ có 5 ngày nghỉ/năm.
“Nếu bạn xin nghỉ quá mức cho phép 5 ngày, mọi người trong công ty sẽ nói bạn bị điên hay không tôn trọng sếp! Mọi người muốn về cũng chẳng dám. Ai cũng phải chờ sếp về trước mới dám bước chân ra khỏi phòng. Tôi đã bị stress nặng trong một thời gian dài”, Deuk-Soo Lee nói.
Điều này hiện đang trở thành một thực trạng trong xã hội Hàn Quốc. Người lao động không được nghỉ để tái tạo sức lao động chỉ vì những bản chấm công đánh giá cuối tháng xem ai chăm chỉ hơn ai. Và nơi để họ giải tỏa bức xúc chính là Internet hay các trang mạng xã hội.
Ông Daniel Hwang, Chủ tịch Công ty JobPlanet cho biết: “Giờ đây nhiều công ty tại Hàn Quốc đang áp dụng “văn hóa quân đội” tại nơi làm việc, nếu sếp có mời bạn đi nhậu hay ăn thì “không” là câu trả lời được đánh giá cao nhất”.
Chính thực trạng này đã dẫn đến việc lạm dụng đồ uống có cồn sau hàng giờ làm việc không được nghỉ. Sự thật này cũng đã được khắc họa trên nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc. Khi những trận say rượu triền miên diễn ra thì kết quả nhận được đó là hiệu quả công việc giảm sút là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.