COVID-19, app tín dụng đen đẩy con nợ tới đường cùng
Hệ thống các bản tin trên VTV1 đã nhiều lần phản ánh về hoạt động của các công ty cho vay "tín dụng đen" thông qua ứng dụng (app di dộng). Tuy nhiên đến nay, hoạt động này vẫn không hề suy giảm, mà còn có có đấu hiệu bùng phát mạnh hơn.
Nửa năm trước, chị Như vay 4 triệu đồng để chi tiêu cá nhân, tìm đến các ứng dụng di động cho vay. Thế nhưng đến khi được giải ngân, chị chỉ nhận được 2,6 triệu đồng, với lý do từ phía cho vay là để làm phí hồ sơ, buộc chị phải tìm đến app khác để vay đủ 4 triệu đồng. Sau thời hạn 7 ngày, chị tiếp tục nhận được tư vấn vay qua các app mới để đảo nợ.
Thời điểm người dân gặp khó khăn do dịch bệnh có thể khiến các hoạt động vay tiền qua app diễn biến càng phức tạp hơn.
Đến tháng 3, dịch bệnh bùng phát, chị bị mất việc làm, còn khoản nợ nhanh chóng phình to và khi không còn khả năng trả nợ,mỗi ngày chị Như và người thân phải nhận hàng chục cuộc gọi điện thoại khủng bố tinh thần. Từ 6 triệu đồng, nay chị đã trả hơn 100 triệu đồng mà vẫn không hết nợ.
Chỉ từ vài triệu đồng lên tới cả hơn trăm triệu đồng, tức là gấp vài chục lần, mà vẫn chưa hết nợ, cùng ma trận hàng trăm app như vậy, đây là một vòng xoáy nợ nần bủa vây cuộc sống của người dân nghèo trong bối cảnh kinh tế và việc làm bị ảnh hưởng nặng nề như hiện nay.
Chiêu thức "núp bóng" quản lý của công ty cho vay qua app
Trước tình trạng như vậy, vào tháng 7 vừa qua, Bộ Công an cũng đã phát đi cảnh báo về hiện tượng nhiều app cho vay tiền hoạt động tín dụng đen, cho vay với lãi suất tới 300% đến hơn 1.000% một năm, núp bóng dưới danh nghĩa loại phí. Dù vậy, tình trạng này vẫn không suy giảm, đặc biệt trong thời điểm khó khăn như hiện nay các hoạt động tín dụng đen qua app này càng hoạt động rầm rộ hơn.
Thực tế không dễ để có thể xử lý triệt để tận gốc hoạt động biến tướng của loại hình cho vay tín dụng đen qua ứng dụng. Trong quá trình thâm nhập, nhóm phóng viên điều tra cũng đã phát hiện ra những cách thức để núp bóng, lách luật của các loại app này.
Một trong những cái tên thường xuất hiện trong "ma trận" app cho vay là Uvay do Công ty Easy Fintech Việt Nam làm chủ quản. Địa chỉ trụ sở trên giấy phép ở một nơi, nhưng nơi hoạt động thực tế của hơn 200 nhân sự công ty này, chỉ những người từng làm việc như anh Bảo mới biết.
Có lẽ chính người vay cũng không hình dung được khi họ chọn đồng ý các điều khoản ban đầu của app vay là đã cung cấp hết toàn bộ danh bạ trên điện thoại cho công ty này. Không chỉ vậy, hệ thống này còn có thể truy cập được vào nhiều ứng dụng khác đang được cài đặt trên điện thoại của người vay, đặc biệt là kho hình ảnh và video cá nhân. Bộ phận thu hồi nợ sẽ truy cập vào đây, ghép ảnh người vay và cả người thân vào các nội dung bêu riếu, "khủng bố" tinh thần trên mạng xã hội.
Chỉ trong tháng 1/2020, dòng tiền công ty này thu về từ người vay lên đến 10 tỷ đồng. Theo anh Bảo, ngày thấp điểm công ty duyệt cho vay 500 bộ hồ sơ, cao điểm có thể hơn cả nghìn bộ hồ sơ. Phóng viên đã liên hệ với ông Bùi Văn Huy, Tổng Giám đốc của Công ty Easy Fintech, để làm rõ thông tin.
Nhiều người bị cuốn vào vòng luẩn quẩn vay app mới để trả app cũ.
Ông Huy cho biết không thể liên hệ được với công ty cấp trên, chủ sở hữu nước ngoài là công ty Wandering Earth, với địa chỉ trụ sở chính đăng ký tại Hong Kong, Trung Quốc.
Một công ty cho vay app thường có một sản phẩm app vay chính, nhưng cũng có ít nhất 3 - 5 app con khác để dễ dàng cho con nợ vay khoản mới trả khoản cũ, cũng để dễ dàng "ve sầu thoát xác" khi cần. Dòng tiền thu nợ từ người vay cũng được ẩn nấp qua nhiều loại tài khoản ngân hàng của các pháp nhân tổ chức và cá nhân khác nhau.
Thực tế, hệ thống pháp luật còn chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng về hoạt động cho vay của ứng dụng công nghệ, nên đã tạo ra môi trường thuận lợi để một bộ phận các công ty cho vay qua app hoạt động biến tướng, lách luật.
Đầu tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra dự thảo lấy ý kiến về cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính (fintech), trong đó có hình thức cho vay ngang hàng. Thời gian vay ngang hàng đã bị nhiều bên cho vay qua app núp bóng để hoạt động biến tướng.
Rõ ràng pháp lý sẽ khó bao giờ có thể bắt kịp sự thay đổi của công nghệ. Câu hỏi đặt ra là liệu pháp lý có thể sẽ chậm chân tới mức nào, vì càng chậm trễ, hậu quả sẽ càng khó lường và vượt xa tầm kiểm soát. App tín dụng đen chỉ là một trong nhiều hình thức biến tướng lợi dụng công nghệ để vượt ra khởi hành lang pháp lý hiện hành. Một ví dụ khác phóng viên cũng đã đề cập trong tuần qua đó là câu chuyện cổ tích không có hậu.
Myaladdinz hoàn tiền tới 80%: Khi "thần đèn" không chỉ của... Aladdin?
"Đừng lo! Bạn sẽ không cần trèo đèo lội suối, cũng chẳng phải liều mạng như anh chàng Aladdin thứ thiệt này bởi đèn thần không chỉ có trong truyện cổ tích".
"Một thế giới kho báu mê hoặc đang đợi bạn; Một phép màu thực sự; Cơ hội giúp bạn kiếm hàng triệu đô; Giải pháp vượt qua khủng hoảng COVID-19; Cơ hội kinh doanh năm 2020…", đây là những lời quảng cáo về ứng dụng mua sắm hoàn tiền 80% với tên gọi Myaladdinz.
"Ứng dụng Myaladdinz tức bên này phát triển một cái app để thanh toán và tiêu dùng được tích điểm", thành viên sử dụng app Myaladdinz nói.
Mua sắm hoàn tiền 80%, món hời hấp dẫn này không hạn chế người thụ hưởng. Vì vậy, những lời quảng cáo về app này có mặt ở rất nhiều nơi.
Myaladdinz là ứng dụng đang gây nhiều chú ý với việc cam kết hoàn tiền lên tới 80%.
Chỉ cần khách hỏi, chủ một quán nước cũng lập tức chia sẻ về thứ mà bà cho phép được quảng cáo ở cửa nhà. Nếu khách hàng không muốn trả tiền mặt, có thể trả bằng một thứ có tên là gem.
"Nó mua cả ô tô, cả nhà, cả đất bằng gem mà. Nó mua rồi, nó giàu rồi…", bà chủ quán nước khẳng định.
Nói một cách dễ hiểu nếu thanh toán bằng tiền mặt, 3 quả dừa sẽ có giá 75.000 đồng. Còn nếu giao dịch qua app Myaladdinz, người dùng vẫn phải trả ngần ấy nhưng lại có thêm 60.000 đồng tiền gem, để tiêu dùng tiếp. Người dùng phải nạp tiền thực, mới có tiền ảo.
"Để được ghi nhận trên hệ thống phải có 1.000 USD trong đấy. Mục đích chính là em phải thu hút những người trong cộng đồng mua vào. Một đồn mười. Mười đồn trăm, hiểu chưa?", thành viên sử dụng ứng dụng Myaladdinz giải thích.
Theo ông Phạm Văn Cao, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, tiền ảo không được thừa nhận là phương thức thanh toán hợp pháp ở Việt Nam.
"Tích điểm rồi chuyển điểm sang gem, sau đó quy lại thành tiền, tính thanh khoản không được đảm bảo và người tham gia hoàn toàn có thể phải chịu rủi ro", ông Cao cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!