Logistics kém phát triển - Điểm nghẽn xuất khẩu của ĐBSCL

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 14/01/2017 14:11 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam có nhiều nỗ lực vươn ra nhiều thị trường trên thế giới thế nhưng, logistics kém phát triển đang tạo điểm nghẽn cản trở hàng hóa nước ta tiến ra bên ngoài.

Gạo, thuỷ sản và trái cây là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long, đang đóng góp đến hơn 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, cả 13 tỉnh thành của khu vực rộng lớn này lại đang thiếu những hạ tầng kho bãi, giao thông và các dịch vụ giao nhận, hay còn được gọi là logistics.

Đây là nguyên nhân khiến hơn 70% hàng hóa của vùng này phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng biển ở TP.HCM và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải ở Vũng Tàu mới có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Vận chuyển đường xa không chỉ khiến hàng hoá giảm chất lượng, mà còn giảm tính cạnh tranh. Như mặt hàng gạo đang phải gánh thêm từ 1-2 USD/tấn cho chi phí vận tải.

Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực vươn ra nhiều thị trường trên thế giới. Thế nhưng, logistics kém phát triển đang tạo điểm nghẽn cản trở hàng hoá nước ta tiến ra bên ngoài. Nhìn nhận thấy thực trạng nút thắt cổ chai này, mới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức hội nghị bàn về giải pháp tháo gỡ nút thắt, trong đó nhấn mạnh giải pháp về liên kết doanh nghiệp và các địa phương.

Theo Bộ Công Thương, dự báo lượng hàng qua các cảng thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến 2030 là rất lớn. Đến 2020 sẽ vào khoảng 25-28 triệu tấn/năm. Đến năm 2030 là từ 66,5-71,5 triệu tấn/năm. Điều này cho thấy có nhiều tiềm năng trong thu hút đầu tư phát triển hoạt động logistics, cả về cơ sở hạ tầng logistics cũng như phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics.

Tuy nhiên, cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, cứ 100 đồng GDP thì Việt Nam đang tiêu tốn đến 25 đồng cho chi phí logistics. Con số này cao gần gấp đôi so với các nước đang phát triển trên thế giới. Để giảm thiểu con số này, gỡ nút thắt cổ chai về logistics cần giải pháp đồng bộ trong liên kết vùng, các cơ chế cụ thể từ lãi suất, đất đai đến hành lang pháp lý minh bạch để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước