Khó khăn kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp hỗ trợ nội địa
Theo tìm hiểu, 5 bộ phận cốt lõi nhất của một chiếc điện thoại Samsung là: CPU, chip, màn hình, camera và pin. Trong đó, 100% linh kiện của 5 bộ phận này đều được nhập khẩu và sản xuất tại các doanh nghiệp FDI chính là thành viên của Samsung, nghĩa là doanh nghiệp Việt vẫn chưa có tên trong những phần giá trị nhất của chiếc Samsung được coi là Made in Vietnam.
Năm 2019, nếu Samsung xuất khẩu đạt 36 tỷ USD, thì để sản xuất ra những món hàng xuất khẩu như vậy, doanh nghiệp này phải nhập khẩu lên tới 59 tỷ USD, cũng có nghĩa là Samsung đã nhập siêu 23 tỷ USD.
Gần 50 doanh nghiệp Việt đang tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung, nhưng cũng chỉ mới tham gia ở những cấu phần đơn giản nhất. Một trong những nguyên nhân là sự gắn kết giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội còn thiếu và yếu.
Sự gắn kết giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội còn thiếu và yếu. (Ảnh minh họa: Báo QĐND)
Từng sản xuất phụ kiện cao su cho Panasonics, LG, Yamaha và Honda, thế nhưng tới Samsung, 5 năm loay hoay, Công ty TNHH Cao Su Giải Phóng vẫn chưa vào được chuỗi. Theo đại diện doanh nghiệp, chỉ riêng chi phí tiếp cận các FDI đã tiêu tốn hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhưng vẫn chưa hiệu quả. Một trong những lý do là những FDI như Samsung vẫn có xu hướng ưu tiên các công ty Hàn Quốc, vốn có mối quan hệ từ trước.
Từ phía các FDI như Samsung cũng có cái khó riêng khi tìm nhà cung ứng tại Việt Nam. Họ phải gửi đơn từ cho Bộ ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và phải mất hàng tuần mới có dữ liệu tổng hợp về để bắt đầu vòng đánh giá sơ bộ.
Thiếu kết nối chính là chỗ vướng của cả doanh nghiệp hỗ trợ nội và ngoại. Vậy làm sao để nối được chỗ đứt này?
Cơ sở dữ liệu - “Khớp nối” liên kết doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa
Trong tuần qua, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ vừa được công bố ra đời. Tại đây, hồ sơ của mỗi doanh nghiệp sẽ được điền đầy đủ dữ liệu, bao gồm: quy mô, năng lực sản xuất, thị trường, công nghệ, hay sản phẩm cụ thể của doanh nghiệp đó. Một trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước, nơi để các doanh nghiệp FDI cần tìm là có, nơi để kết và nối.
Hệ thống cơ sở dữ liệu giúp kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Cũng như một người tiêu dùng quyết định chọn mua chiếc điện thoại, có nhiều yếu tố quyết định việc FDI lựa chọn một doanh nghiệp cung ứng: chất lượng, giá thành, uy tín... Không chỉ dừng lại ở kết và nối, hệ thống cơ sở dữ liệu này được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm thương mại điện tử riêng của ngành công nghiệp hỗ trợ, nơi các doanh nghiệp nội có thể giao dịch với các FDI, với các doanh nghiệp bán thành phẩm hoàn thiện, hay với chính các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khác. Nó nằm trong chiến lược tổng thể để giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa tiến sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đến nay, Bộ Công Thương đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, hơn 700 doanh nghiệp điện tử, 1.100 doanh nghiệp dệt may và nhiều lĩnh vực khác. Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, cơ sở dữ liệu này còn giúp Chính phủ hoạch định các chính sách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!