Hàng loạt cửa hàng bị đập phá từ bên ngoài cho đến bên trong, cảnh tượng hỗn loạn và ngổn ngang này đã diễn ra trên khắp nước Mỹ suốt tuần vừa qua, khi các cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của công dân da màu George Floyd bị biến tướng thành đập phá, cướp bóc.
Các chuyên gia cho rằng mâu thuẫn sắc tộc vốn âm ỉ tại Mỹ và đặc biệt là dịch COVID-19 đã trở thành mồi lửa làm bùng cháy căng thẳng diễn ra trong nội tại nước Mỹ.
Hơn 1/5 số doanh nghiệp tại Mỹ đã phá sản trong tháng 4 do COVID-19. Hơn 40 triệu lao động mất việc làm. Tác động nặng nề hơn cả là cộng đồng người Mỹ gốc Phi, với 40% doanh nghiệp phải đóng cửa, cao hơn nhiều so với các cộng đồng còn lại.
Lao động người Mỹ gốc Phi xếp hàng nộp đơn xin việc làm. (Ảnh: AP)
Khi gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai, tâm lý bất ổn sau thời gian dài giãn cách xã hội, cộng với những mâu thuẫn sắc tộc vốn đã âm ỉ tại Mỹ bấy lâu nay, tất cả đã thổi bùng căng thẳng diễn ra trong nội tại nước Mỹ. Theo các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp da màu đang phải vật lộn để vượt qua thời gian khó khăn này.
Kể từ giữa tháng 3, cơ sở kinh doanh của anh Alphonzo Cross tại thành phố Atlanta đã rơi vào cảnh khốn đốn, do tác động của đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa.
"Chúng tôi đã phải đóng cửa từ giữa tháng 3 khi chính quyền yêu cầu. Việc mở cửa trở lại sau đó cũng đối mặt với nhiều khó khăn, bởi có quá nhiều yếu tố không chắc chắn" - anh Alphonzo Cross cho hay.
Được coi là xương sống của nền kinh tế tại nhiều thành phố như Detroit hay Atlanta, thế nhưng các doanh nghiệp của cộng đồng người da màu đã bộc lộ những hạn chế khi phải đối mặt với cú sốc lớn về kinh tế: quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế.
"Các doanh nghiệp của người Mỹ gốc Phi bước vào đại dịch với kích thước nhỏ hơn, ít vốn hơn, ít tiền mặt dự trữ hơn và do đó khó có thể chống chịu với đại dịch" - ông Marc Morial (Chủ tịch Liên đoàn Đô thị Quốc gia Mỹ) nhận định.
Một khảo sát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED thực hiện hồi năm 2017 cho thấy, mặc dù có tỷ lệ nộp đơn xin vay vốn ngân hàng khá cao, thế nhưng, các doanh nghiệp của cộng đồng người Mỹ gốc Phi lại có tỷ lệ được vay vốn thấp hơn 19% so với những công ty của cộng đồng người da trắng và lãi suất phải trả cũng cao hơn. Những rào cản về vốn này là một trong những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phát triển và không thể có được tấm đệm tài chính đủ dày để chống chịu với những cú sốc như COVID-19.
Các doanh nghiệp của cộng đồng người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ được vay vốn thấp hơn 19% so với những công ty của cộng đồng người da trắng.
Theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại hơn cả là việc các doanh nghiệp gốc Phi cũng là nơi cung cấp một lượng lớn việc làm cho các lao động thuộc cộng đồng này. Do đó, việc có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải ngừng hoạt động, sẽ khiến cộng đồng người gốc Phi càng trở nên dễ tổn thương hơn về mặt kinh tế.
Tính đến tháng 4 năm nay, người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 18,9%, chỉ thấp hơn người Mỹ gốc Latin, bỏ xa cộng đồng người da trắng và người Mỹ gốc Á.
Với sự tổn thương kinh tế như vậy, nhiều chuyên gia lo ngại, những thành tựu đáng kể mà nước Mỹ đạt được trong thời gian qua về thu hẹp tình trạng bất bình đẳng kinh tế đối với các cộng đồng thiểu số có thể sẽ biến mất sau đại dịch COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!