Triển khai hệ thống đê mềm chống lũ tại tỉnh Nam Định

Thảo Vi-Thứ sáu, ngày 18/05/2018 10:50 GMT+7

Người dân tham gia thử nghiệm hệ thống đê mềm chống lũ

VTV.vn - Hệ thống đê mềm chống lũ là một dự án đang được áp dụng tại tỉnh Nam Định với nhiều ưu điểm vượt trội và dễ dàng triển khai khi có thiên tai.

Trong 20 năm gần đây, các khu vực trên cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại thiên tai, gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạn tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất kinh doanh của người dân. Đặc biệt là các tỉnh ven biển, sau mỗi đợt thiên tai, hoa màu, tài sản bị nước lũ cuốn trôi và đe dọa đến tính mạng của hàng ngàn người dân. Nhiều gia đình phải rơi vào hoàn cảnh tay trắng.

Năm 2017, tình hình thiên tai diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường và là một trong những mối lo lớn nhất của nhân loại. Hệ thống đê trên sông Tiền, sông Hồng, sông Đà, sông Đinh đã vượt mức báo động 3 trên 30 - 40 cm. Trên triền sông Đáy đã vượt mức lịch sử năm 1995 và cao hơn lũ lịch sử khoảng 30 cm.

Đặc biệt, tuyến đê Hữu Ninh Cơ dài 14km, 9km xấp xỉ tràn, nhiều chỗ chỉ cách đê 20cm. Tuyến đê biển do ảnh hưởng của bão số 10 kết hợp với đợt triều cường cao nhất trong khoảng 100 năm trở lại đây đã khiến tất cả các khu dân cư trong khu Hải Bối bị ngập chìm, tài sản của nhân dân gần như mất trắng.

Nam Định là một tỉnh ven biển có đường bờ biển dài 72km, với gần 700km đê, trong đó có 91km đê biển, những đợt bão lũ thường tràn đê, vỡ đê dẫn đến những thiệt hại rất lớn đến kinh tế, đời sống người dân. Việc tìm ra giải pháp phòng chống thiên tai, bão lũ, đặc biệt là phòng chống vỡ đê, tràn đê luôn là một bài toán nan giải trong nhiều năm nay.

Trước thực trạng trên, Quỹ Tấm lòng Việt - Đài THVN đồng hành cùng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng hỗ trợ 500m đê mềm chống lũ trị giá trên 2 tỷ đồng. Loại đê này được sản xuất theo công nghệ Aquadam của Mỹ để ngăn nước lũ, xói lở và xâm nhập mặn tại cửa cống Cồn Tầu Tây, thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định - nơi thương xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ.

Triển khai hệ thống đê mềm chống lũ tại tỉnh Nam Định - Ảnh 1.
Triển khai hệ thống đê mềm chống lũ tại tỉnh Nam Định - Ảnh 2.

Đại diện chính quyền địa phương và nhà tài trợ tại buổi thử nghiệm hệ thống đê mềm

Ông Phạm Trung Cang, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tân Đại Hưng phát biểu: "Đối với chương trình phòng chống thiên tai, công ty Tân Đại Hưng ký kết với Tổng cục Phòng chống thiên tai trao tặng một số sản phẩm tới nhiều địa phương. Ở Nam Định, chúng tôi sẽ cung cấp cho địa phương 500m ống đê mềm và hôm nay là 50m trình diễn để khi có lũ lụt tới địa phương sẽ tiến hành triển khai. Chúng tôi cũng nghiên cứu tại tỉnh Bến Tre chương trình chống sạt lở bờ biển bằng ống này. Chúng tôi cũng sẽ lắp đặt một hệ thống đê ngăn mặn tại Bến Tre".

Một buổi lắp đặt ngăn đê và cũng là buổi tổ chức trình diễn, tư vấn kỹ thuật cho các cán bộ Chi cục Thủy lợi Nam Định và các tỉnh lân cận cùng nhiều bà con nhân dân đã được tổ chức tại khu thử nghiệm hệ thống đê mềm Nam Định. Đây thực sự là sự chia sẻ kịp thời với người dân ở một tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Với hệ thống đê mềm chống lũ chỉ mất khoảng 1,5 giờ có thể bơm đầy nước và tạo ra được một đê cao chừng 1,2 - 1,4m.

Triển khai hệ thống đê mềm chống lũ tại tỉnh Nam Định - Ảnh 3.
Triển khai hệ thống đê mềm chống lũ tại tỉnh Nam Định - Ảnh 4.

Hình ảnh thục trạng đê mềm chống lũ

Ở Việt Nam, ứng dụng "đê mềm" là giải pháp còn khá mới mẻ trong phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, buổi thử nghiệm đã cho thấy những ưu điểm vượt trội trong phòng chống thiên tai của loại đê này. Từ đó, đã mở ra một giải pháp tốt hơn, giúp ngăn chặn hậu quả nặng nề cho kinh tế nông nghiệp ở Nam Định và ở các tỉnh, thành thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

Trao đổi với nhóm phóng viên của Quỹ Tấm lòng Việt - Đài THVN, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ: "Tôi thấy đây là một giải pháp rất hiệu quả, chủ động và linh hoạt trong những tình huống như nước tràn đê hoặc những sự cố về đê sông và đê biển. Với hệ thống như chúng ta nhìn thấy ở đây, phía kỹ thuật của công ty Tân Đại Hưng nói rằng mất khoảng 1,5 giờ đồng hồ là có thể bơm đầy nước và tạo ra được một đê cao chừng 1,2 - 1,4 m. Tôi cho rằng đó là một giải pháp hết sức hiệu quả".

Sau những cơn bão, những trận thiên tai, tài sản cả đời gây dựng của người dân đã bị quét sạch. Hy vọng, giải pháp này sẽ sớm được đưa vào sử dụng tại các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, xói lở bờ biển và xâm nhập mặn, góp phần giúp người dân phòng chống những thiệt hại về hoa màu, tài sản.

Lớp học đặc biệt của những đứa trẻ không may mắn Lớp học đặc biệt của những đứa trẻ không may mắn Bàn giao 5 căn nhà chống bão cho các hộ dân nghèo Bàn giao 5 căn nhà chống bão cho các hộ dân nghèo Hỗ trợ ngư dân ven biển tỉnh Quảng Ninh Hỗ trợ ngư dân ven biển tỉnh Quảng Ninh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước