Thương cảnh "gà trống" nuôi hai con sinh đôi 7 tháng tuổi

Theo Dân trí-Thứ sáu, ngày 08/02/2013 18:00 GMT+7

Mới 7 giờ tối anh đã dỗ con ngủ để đi cày thuê cho người ta.

 Tiếng con ngằn ngặt khóc, anh không biết phải làm sao đành bế hai đứa đứng trước di ảnh của vợ. Trên ban thờ, khói hương nghi ngút, nước mắt con thơ hòa trong nỗi xót xa, đắng lặng của bố khi chị đã không còn trên cõi đời này nữa.

Tối, lạnh và hoang sơ trên triền đê của vùng quê nghèo. 7 giờ tối trong căn nhà nhỏ hẹp khuất sau một vài bóng cây xơ xác, tiếng ru con vụng về đứt quãng của người đàn ông lại vang lên nghe não nuột, chạnh lòng. Tầm này các nhà xung quanh còn đang sáng đèn vì còn dở dang bữa tối, riêng anh lại vội vã dỗ con ngủ vì phải đi làm.

Anh là nông dân thuần phác với công việc đồng áng quanh năm. Lấy vợ rồi sinh con, một mình anh đảm đương tất cả bởi chị nhà từ khi có bầu đã phải đến viện nằm để giữ cho thai an toàn. 9 tháng ròng rã, người ta thấy cứ ban ngày anh lại bắt xe buýt đến bệnh viện chăm vợ rồi đến tối lại về đi làm, đúng vụ thì nhận cày thuê cho cả làng, còn không lại đi phu hồ ở một vài làng lân cận. Không làm không được bởi vợ anh ở viện phải có tiền đóng, nên một mình anh cứ quần quật lao mình như con thiêu thân ai thuê gì làm nấy khi mọi người còn đang say giấc.

Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Kim Sử (thôn Dũng Tiến, xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Ở cái làng quê nghèo này, kể chuyện về anh ai cũng không cầm được nước mắt. Chị Phạm Thị Mơ (hàng xóm của anh) cho biết : “Mấy năm trước vợ chồng chú ấy đã mất đi 2 đứa con vì bệnh tật. Nhưng trước khi chị em nó bỏ bố mẹ đi cả hai vợ chồng cũng mất 7, 8 năm chạy chữa đi khắp các bệnh viện, ai mách đâu đi đấy mà cũng không được. Gia đình kiệt quệ từ ngày đấy, nhiều hôm đói ăn chúng tôi phải thay nhau cho gạo. Thế mà chú ấy thương con lắm vẫn vắt kiệt từng đồng cuối cùng để mua thuốc cho chúng”.

Hai đứa bỏ đi, đêm nào ngủ anh cũng khóc. Thương chồng, chị Nguyễn Thị Quy (vợ anh Sử) cố gắng mang bầu lần nữa, rồi ông trời cũng thương cho chị mang song thai là hai bé trai kháu khỉnh. Tuy nhiên không được dễ dàng như bao người phụ nữ khác, chị Quy phải đến viện nằm từ tháng đầu tiên đến tận ngày sinh vì động thai. Chưa trả nợ được đồng nào tiền vay chữa bệnh cho hai đứa con trước, một mình anh lại lao vào làm để lo tiền đóng viện phí cho vợ cho con, nhưng anh vui lắm vì biết sắp được chào đón hai cậu quý tử.

Bà nội Nguyễn Thị Chức nhớ lại quãng thời gian đó vẫn còn ngậm ngùi : “Vợ con nó ở viện, một mình tay nó lo hết mọi chuyện. Nó làm đến quắt khô cả người, nhiều hôm mệt và đói quá còn ngất ra đấy thế mà tỉnh dậy là lại lao đi ngay. Nó bảo lần trước nó đã không giữ được 2 đứa lớn, lần này bằng mọi giá nó phải kiếm tiền để vợ và con nó được ở lại bệnh viện có các bác sĩ chăm sóc”.

Rồi chị cũng sinh an toàn hai bé trai, ngày đón vợ con từ viện về người ta thấy ông bố lôi thôi, lếch thếch, quần áo rách bươm, chân đi trần nhưng đã khóc lên vì hạnh phúc. Ai cũng nghĩ “ Cả cuộc đời anh khổ, giờ là lúc anh được bù đắp”.

Nhưng giây phút hạnh phúc ấy đến với anh quá ngắn ngủi khi hai con mới chỉ biết bò, chị Quy đã ra đi vì đột quỵ. Kìm nén để nước mắt không trào ra, anh nấc lên từng tiếng kể lại : “Từ mấy hôm trước, vợ tôi đã mệt vì kiệt sức, tôi còn chưa kịp mua thuốc cho cô ấy thì vợ tôi đã bỏ đi. Lúc đó, nhìn vợ tôi nằm im không nói gì, bên cạnh là hai đứa cứ khóc ngặt lên vì đói. Nước mắt, nước mũi chúng giàn giụa thế mà vợ tôi cũng không tỉnh lại”.

Vợ không còn, anh như chết lặng, ngày đưa tang chị một mình anh hai tay bế hai đứa con cứ nhìn theo quan tài trong tiếng gọi đã khản đặc của anh mà chị không tỉnh lại. Bàng hoàng, đau đớn nhưng tiếng con khóc ngằn ngặt vì đói sữa làm anh giật mình “tỉnh cơn đau” để biết mình phải đi làm lấy tiền mua sữa cho con. Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Hữu Đạo – Đội trưởng xóm 8, xã Yên Chính cho biết : Gần 1 tuần nay sau ngày chị Quy mất, bà con làng xóm thay nhau bế và góp tiền mua sữa cho hai bé nhà anh Sử, tuy nhiên về lâu về dài chúng tôi cũng đang rất lo vì sắp đến vụ ai cũng phải ra đồng, điều kiện của mọi người lại khó khăn không biết có đỡ được lâu cho gia đình anh Sử không.

Biết con khát sữa, nên chỉ sau 3 ngày vợ mất, anh đã nhận cày thuê cho cả làng khi vụ mùa đang gần đến. Ban ngày phải trông con cho mọi người về đi làm, cứ đến tối sau khi dỗ hai đứa ngủ anh lại vội vã đi luôn đến tận 5 giờ sáng mới về. Đêm nay, gió mùa tăng cường, người ta lại thấy cái dáng nhỏ thó, thấp bé của anh lụi cụi đi cày khi hai con còn đang khóc dở trong cơn mơ mẹ sẽ về.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước